Công quốc (tiếng Latinh: ducatus, tiếng Đức: herzogtum, tiếng Anh: duchy), hay lãnh địa công tước (tiếng Anh: dukedom), là lãnh thổ quốc gia có chủ quyền[1] do một công tước / nữ công tước (hoặc vương công / nữ vương công) sở hữu và cai trị.[2] Thuật ngữ "công quốc" hầu như chỉ được sử dụng ở Châu Âu.

Chân dung Công tước và Công tước phu nhân xứ Scania năm 1905

Tước vị công tước là tước vị quý tộc tôn quý có địa vị chỉ đứng sau Quốc vương hoặc Nữ vương trong truyền thống châu Âu. Mặc dù vậy, có sự khác biệt quan trọng giữa "công tước lãnh địa" và "công tước phi lãnh địa". Khác với các "công tước phi lãnh địa", vốn là những thuộc hạ của Quốc vương hoặc Hoàng đế, được phong tước hiệu danh dự nhưng không sở hữu và cai trị lãnh địa cụ thể, các "công tước lãnh địa" (tiếng Anh: sovereign dukes) là những nhà cai trị và là quân chủ thực sự của các công quốc. Lịch sử châu Âu từng chứng kiến sự hình thành và tan rã của nhiều công quốc. Hầu hết các công quốc lịch sử có chủ quyền thời cận đại ngày nay trở thành những vùng lãnh thổ cấp bang ở một số quốc gia liên bang như Đức. Trong khi đó, các lãnh địa công tước về sau được chuyển thành lãnh thổ trực thuộc các những vương quốc đã thống nhất một phần hoặc hoàn toàn trong thời kỳ Trung cổ, như Pháp, Tây Ban Nha... ngày nay là những vùng hành chính có địa vị quan trong trong các quốc gia đó.

Một số lãnh thổ công quốc được xem là có địa vị trên các công quốc khác được gọi là Đại công quốc, như Đại công quốc Áo, Đại công quốc Moskva... Một số lãnh thổ khác cũng được xem là tương đương công quốc, nhưng có địa vị thấp hơn như Thân vương quốc.

Nguồn gốc tên gọi

sửa

Thời La Mã cổ đại

sửa

Tước vị "công tước" có nguồn gốc từ thời Đế quốc La Mã, trong tiếng Latinh được viết là dux (số nhiều: duces). Tận đến thế kỷ 3 thì dux mới chính thức trở thành cấp bậc cụ thể trong hệ thống cấp bậc La Mã, còn trước đó nó chỉ là một từ được dùng để chỉ một người huấn luyện quân sự hoặc vị chỉ huy quân sự. Những cải cách quân sự dưới thời DiocletianusConstantinus đã giao công tác phòng thủ biên giới cho các dân quân địa phương, đặt dưới quyền hành của dux. Phạm vi lãnh trách nhiệm của dux có thể vượt quá một tỉnh và đôi khi là rất rộng lớn.[3] Khi quản lý dân sự và quản lý quân sự được tách biệt vào thế kỷ 4 và 5, dux (đảm trách phòng thủ các tỉnh biên cương) càng trở nên quan trọng, mở rộng sang quản lý dân sự và tư pháp.[Ghi chú 1]

Thời Francia

sửa

Thời Francia (Vương quốc Frank), đất nước được cấu thành từ các lãnh thổ giống với công quốc. Nạn xâm lăng của những tộc người man thực sự đã khiến hầu hết các dux giành được quyền tự chủ. Các thủ lĩnh người man chấp nhận tước vị do La Mã ban và tiếp tục giữ tước vị này cả sau khi Đế quốc Tây La Mã tan rã. Từ thế kỷ 6-7, công tước là nhà lãnh đạo cao nhất của cả vùng, đóng vai trò quan trọng trong sự định hình cấu trúc Francia.[4] Một số công quốc như thế là Công quốc Bayern và Công quốc Alemanni.

Xét về tính chất quyền lực quân sự và tư pháp đối với một nhóm các lãnh địa bá tước, Công tước có quyền hạn tương tự một vị toàn quyền nhân danh quốc chủ. Chẳng hạn, Công quốc Maine (tiếng Latinh: Ducatus Cenomannicus hoặc Cenomannensis) quản hạt 12 lãnh địa bá tước (comitatus) nằm giữa hai con sông SeineLoire.

Các công quốc trong lịch sử

sửa

Tại Trung Quốc

sửa

Vào thời Tây Chu có một số công quốc như Tống, Quắc, ChâuNgu.

Tại Anh

sửa

Công quốc đầu tiên ở Anh xuất hiện vào thời kỳ nhà Plantagenet. Thân vương xứ Wales cũng là người đứng đầu Công quốc Cornwall.

Tại Đức

sửa

Vào thế kỷ 10, Frank Đông dưới thời Liudolfinger được cấu thành từ năm công quốc, gồm Công quốc Lotharingia (trước đó là Vương quốc Lothair II) và bốn công quốc quốc gia (mỗi công quốc này đại diện cho một quốc gia của người German) là Công quốc Sachsen (người Sachsen), Công quốc Franken (người Frank), Công quốc Schwaben (người Alemanni) và Công quốc Bayern (người Baiern).

Năm 977, Công quốc Lotharingia bị phân thành Công quốc Thượng LotharingiaCông quốc Hạ Lotharingia. Năm 1101, Bá tước xứ LimburgHenry I được phong cho đất Hạ Lotharingia và cai trị đất này đến năm 1106. Tuy vậy, ông và các hậu duệ vẫn được gọi là Công tước.

Năm 1011, mark Carinthia được nâng làm công quốc.

Năm 1041, Công quốc Bohemia trở thành đất phong của Đế quốc La Mã Thần thánh. Năm 1156, Áo được nâng làm công quốc.

Năm 1180, Heinrich Sư tử bị lật đổ. Hoàng đế La Mã Thần thánh cắt đất từ các công quốc trước đây do Heinrich Sư tử cai trị để nâng thành các công quốc mới: Công quốc Steiermark tách khỏi Công quốc Bayern, Công quốc Pommern tách khỏi Công quốc Sachsen, một phần phía nam Công quốc Sachsen trở thành một phần của Công quốc Westfalen. Công quốc Sachsen vẫn tồn tại song lãnh thổ chỉ bằng một phần nhỏ trước đó và được ban cho Bá tước Bernhard xứ Anhalt.

Năm 1190, tước vị Công tước Hạ Lotharingia được phong cho Công tước xứ Brabant. Công quốc Hạ Lotharingia mất quyền cai trị lãnh thổ của mình.

Năm 1235, Công quốc Braunschweig-Lüneburg được thành lập.

Năm 1260, Công quốc Sachsen bị chia thành hai công quốc là Sachsen-LauenburgSachsen-Wittenberg.

Năm 1339, Lãnh địa bá tước Geldern được nâng thành công quốc. Về sau, công quốc này bị phân thành các công quốc nhỏ: Mecklenburg-Schwerin, Mecklenburg-GüstrowMecklenburg-Strelitz. Lần lượt trong các năm 1354, 1355, 1356, 1380 và 1417, các lãnh địa bá tước gồm Lãnh địa bá tước Bar, Lãnh địa bá tước Luxembourg, Lãnh địa bá tước Jülich, Lãnh địa bá tước BergLãnh địa bá tước Kleve được nâng thành công quốc.

Năm 1442, Công quốc Sachsen-Wittenberg, Lãnh địa bá tước MeißenThüringen cùng nhau hợp thành Công quốc Sachsen mới. Về sau, công quốc này lại bị chia thành nhiều công quốc nhỏ: Sachsen-Eisenach, Sachsen-Coburg, Sachsen-Weimar, Sachsen-Gotha, Sachsen-Coburg-Eisenach, Sachsen-Altenburg,...

Năm 1474, Lãnh địa bá tước Holstein được nâng thành công quốc, tương tự cho Lãnh địa bá tước Württemberg vào năm 1495.

Năm 1505, Công quốc Pfalz-Neuburg được thành lập.

Năm 1644, Thân vương quốc Aremberg được nâng làm công quốc.

Năm 1774, Lãnh địa bá tước Oldenburg được nâng thành công quốc.

Năm 1806, Napoléon lập các công quốc: Nassau, Anhalt-Bernburg, Anhalt-DessauAnhalt-Köthen.

Tại Pháp

sửa

Các mark và lãnh thổ chính nằm dưới quyền công tước tại Pháp hình thành vào thời kỳ Karolinger, sau trở thành đất phong nằm dưới quyền của nhà vua trong thế kỷ 9, nhưng sang thế kỷ 10 thì càng ngày các công tước càng thu được nhiều quyền tự trị hơn. Louis V băng hà năm 987 mà không nắm trong tay bất kỳ công quốc nào.

Vào thế kỷ 11, tại Pháp có các công quốc là: Công quốc Aquitaine (sau đổi thành Công quốc Guyenne), Công quốc Bourgogne, Công quốc FranceCông quốc Normandie. Đến thế kỷ 14, các vùng đất phong được nâng lên cấp công quốc khi được ban làm thái ấp cho các hoàng tử Pháp. Các công quốc đó là: Công quốc Alençon, Công quốc Anjou, Công quốc Berry, Công quốc Bourbonnais, Công quốc Orléans, Công quốc Valois.

Thế kỷ 16, nhiều lãnh địa bá tước và trang viên của những công thần trung thành với nhà vua Pháp được nâng làm công quốc. Một trong các công quốc cổ nhất thuộc loại này là Công quốc Uzès.

Từ thế kỷ 17, rất nhiều lãnh thổ ở Pháp được phong làm công quốc. Về mặt lãnh thổ, Cách mạng 1789 xóa bỏ tất cả các công quốc ở Pháp, chỉ còn sót lại tước vị Công tước xứ Normandy (lãnh thổ là phần hải đảo quần đảo Eo Biển, thuộc địa Hoàng gia Anh) hiện vẫn tồn tại trên danh nghĩa, hiện do Nữ hoàng Elizabeth II của Anh Quốc nắm.

Ghi chú rằng Công quốc Lorraine và Công quốc Bar nhập vào Pháp vào năm 1766, còn Công quốc Savoy nhập vào năm 1860. Đại diện của các công quốc này tại triều đình Pháp từng được xem là thuộc triều đình ngoại bang.

Tại Ý

sửa

Khi người Lombard xâm chiếm Ý, họ chia đất nước thành các công quốc để quản lý. Nhiều công quốc được lập ra ở Bắc Ý (Friuli, Ceneda, Treviso, Vicenza, Verona, Trento, Parma, Persiceto, Reggio, Piacenza, Brescia, Bergamo, San Giulio, Pavia, Turin, Asti, Tuscia, Milan và Ivrea), sau bị người Frank xóa bỏ trong cuộc xâm lược năm 774 hoặc chuyển thành các lãnh địa bá tước như mô hình hành chính Đế quốc Karolinger. Ở Nam Ý, người Lombard chỉ lập có hai công quốc song phạm vi quản hạt rất rộng lớn, đó là Công quốc Spoleto và Công quốc Benevento. Chúng bị người Norman xâm chiếm năm 1053. Năm 1198, Công quốc Spoleto bị sáp nhập vào Lãnh thổ Giáo hoàng.

Thế kỷ 8, các thành thị thương mại thuộc Đế quốc Đông La Mã được tổ chức thành các công quốc tự trị, gồm Công quốc Amalfi, Công quốc Sorrento, Công quốc Napoli, Công quốc Gaeta và đặc biệt là Công quốc Venezia (sau trở thành Cộng hòa Venezia).

Từ năm 1395 trở đi, các trang viên ở Bắc Ý được Hoàng đế La Mã Thần thánh hoặc Giáo hoàng phong tước công, khiến ngày càng có nhiều công quốc được thành lập. Các công quốc được lập năm 1395 là: Công quốc Milan, Công quốc Mantua, Công quốc Lucca, Công quốc Parma, Công quốc Massa và Carrara, Công quốc Urbino, Công quốc CamerinoCông quốc Castro. Lưu ý Công quốc Savoy có quyền quản hạt cả Piemonte. Ở Nam Ý, Giáo hoàng cùng với các vua của Napoli và Sicily dùng tước công như tước vị quý tộc hàng thứ hai, xếp sau thân vương: Công quốc Galliera, Công quốc GenovaCông quốc Sora.

Xem thêm

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ Dux là người đứng đầu cả về hành chính, tư pháp và quân sự ở tỉnh mà họ được giao quản lý. Cũng như comes ("bá tước"), dux là cấp dưới của magister militum (lãnh đạo dân quân).

Tham khảo

sửa
  1. ^ Mitchell, Samuel Augustus (1871). A System of Modern Geography: Physical, Political, and Descriptive: Accompanied by a New Atlas of Forty-four Copperplate Maps, and Illustrated by Two Hundred Engravings (bằng tiếng Anh). E. H. Butler & Company. tr. 40 (xem).
  2. ^ Hornby, A S (2005). Oxford Advanced Learner's Dictionary (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 7). Oxford University Press. tr. 453. ISBN 978-0-19-4316583.
  3. ^ Werner, Karl Ferdinand (2012). Naissance de la noblesse, Nhà xuất bản Pluriel, tr. 423.
  4. ^ Werner 2012, tr. 429
  NODES