Cao Quý Hưng

Là vị quân chủ khai quốc của nước Kinh Nam (Nam Bình) thời Ngũ Đại Thập Quốc

Cao Quý Hưng (giản thể: 高季兴; phồn thể: 高季興; bính âm: Gāo Jìxīng) (858[3]-28 tháng 1 năm 929[1][4]), nguyên danh Cao Quý Xương (tiếng Trung: 高季昌; bính âm: Gāo Jìchāng), trong một khoảng thời gian mang tên Chu Quý Xương (朱季昌), tên tự Di Tôn (貽孫), gọi theo thụy hiệu là Sở Vũ Tín vương (楚武信王), là vị quân chủ khai quốc của nước Kinh Nam (Nam Bình) thời Ngũ Đại Thập Quốc.

Cao Quý Hưng
Quân chủ Trung Hoa
Vương nước Kinh Nam
Tại vị14/4/924?[1][2][chú 1] - 28/1/929
Đăng quangkiến quốc
Kế nhiệmCao Tòng Hối
Thông tin chung
Sinh858[3]
Mất28 tháng 1, 929[1][4]
Hậu duệ
Thụy hiệu
Vũ Tín Vương (武信王)
Tước hiệuNam bình vương, Bột Hải vương

Thân thế

sửa

Cao Quý Xương sinh năm 858, dưới Triều đại của Đường Tuyên Tông.[3] Ông là người Thiểm Thạch, Thiểm châu[chú 2]. Khi còn nhỏ, ông là nô bộc cho một phú nhân tại Biện châu[chú 3]. Theo Cựu Ngũ Đại sửTư trị thông giám, ông là nô bộc của Lý Thất Lang (李七郎)- sau này trở thành con nuôi của Tuyên Vũ[chú 4] tiết độ sứ Chu Toàn Trung và đổi tên thành Chu Hữu Cung (朱友恭).[5][6] Theo Tân Ngũ Đại sửThập Quốc Xuân Thu, ông là nô bộc của Lý Nhượng (李讓)- sau cũng trở thành con nuôi của Chu Toàn Trung, đổi tên thành Chu Hữu Nhượng (朱友讓);[3] Thập Quốc Xuân Thu còn ghi rằng ông cũng là nô bộc của Đổng Chương (董璋) và Khổng Tuần (孔循)- sau trở thành các nhân vật chính trị/quân sự nổi bật.[7] Khi Cao Quý Xương tìm cách để gặp Chu Toàn Trung, Chu Toàn Trung ấn tượng trước tài năng của Cao Quý Xương, và lệnh cho chủ nhân nhận ông làm con — do đó ông trở thành cháu nuôi của Chu Toàn Trung và mang họ Chu.[3][5]

Phụng sự quân phiệt Chu Toàn Trung

sửa

Mùa thu năm 902, sau một năm bao vây Phượng Tường[chú 5] mà vẫn chưa chiếm được thành, quân Tuyên Vũ chịu cảnh mưa gió và binh sĩ đổ bệnh. Chu Toàn Trung định triệt thoái đến Hộ Quốc[chú 6]. Thân tòng chỉ huy sứ Chu Quý Xương và Tả khai đạo chỉ huy sứ Lưu Tri Tuấn (劉知俊) lên tiếng can ngăn, chỉ ra rằng Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Trinh đang khốn khó. Tuy nhiên, Chu Toàn Trung lo lắng về sách lược từ chối giao chiến của Lý Mậu Trinh và việc Phượng Tường phòng thủ kiên cố. Theo mưu của Chu Quý Xương, Chu Toàn Trung quyết định cho lính trá hàng để lừa Lý Mậu Trinh ra khỏi thành giao chiến. Lý Mậu Trinh quả nhiên mắc bẫy, chịu tổn thất nặng nề và sau đó phải đầu hàng, trao Đường Chiêu Tông cho Chu Toàn Trung. Đến tháng 9 ÂL, Chu Toàn Trung tiến cử Cao Quý Xương làm Tống châu[chú 7] đoàn luyện sứ.[6]

Sau đó, Chu Quý Xương tham gia vào chiến dịch của quân Tuyên Vũ chống lại Bình Lư[chú 8] tiết độ sứ Vương Sư Phạm (王師範), và được bổ nhiệm làm Dĩnh châu[chú 9] phòng ngự sứ. Ông phục nguyên tính Cao.[7]

Năm 905, Chu Toàn Trung chinh phục Trung Nghĩa[chú 10] và Kinh Nam[chú 11] từ tay hai huynh đệ Triệu Khuông Ngưng (趙匡凝) và Triệu Khuông Minh (趙匡明). Thoạt đầu, Chu Toàn Trung bổ nhiệm Hạ Côi (賀瓌) làm Kinh Nam lưu hậu. Tuy nhiên, sau đó, Vũ Trinh[chú 12] tiết độ sứ Lôi Ngạn Cung (雷彥恭) liên tục xâm nhập Kinh Nam, còn Hạ Côi chỉ cố thủ trong quân thành Giang Lăng mà không giao chiến. Chu Toàn Trung cho rằng Hạ Côi sợ địch nên quyết định cử Cao Quý Xương dến thay thế Hạ Côi, đồng thời cũng khiển Chỉ huy sứ Nghê Khả Phúc (倪可福) đem 5.000 quân đến phòng thủ Kinh Nam. Lôi Ngạn Cung sau đó triệt thoái.[8]

Phụng sự Hậu Lương Thái Tổ

sửa

Năm 907, Chu Toàn Trung soán vị Đường Ai Đế, trở thành Hậu Lương Thái Tổ, mở ra triều Hậu Lương. Hậu Lương Thái Tổ bổ nhiệm Cao Quý Xương làm Kinh Nam tiết độ sứ. Kinh Nam trước đó gồm có 8 châu (tính cả Giang Lăng), phải chịu cảnh từ chiến hỏa, và hầu hết các châu nay nằm trong tay các quân phiệt khác. Thậm chí ngay cả thành ấp trong thành Giang Lăng cũng bị tàn phá, hộ khẩu suy giảm đáng kể. Khi Cao Quý Xương đến Giang Lăng, ông tiến hành ổn định và tập hợp dân lưu tán quay trở lại, theo ghi chép thì mọi người đều phục nghiệp.[9]

Vào mùa thu năm 907, được sự trợ giúp của Sở vương Mã Ân, Lôi Ngạn Cung đem quân tiến công Giang Lăng. Cao Quý Xương dẫn binh đóng tại Công An[chú 13] để cắt đường vận lương của Lôi Ngạn Cung, và sau đó đánh bại quân Vũ Trinh. Lôi Ngạn Cung triệt thoái, quân Sở cũng chạy trốn. Đến tháng 9 ÂL, Lôi Ngạn Cung lại tiến công Sầm Dương[chú 14] và Công An, song lại chiến bại trước Cao Quý Xương.[9]

Hậu Lương Thái Tổ quyết tâm tiêu diệt Lôi Ngạn Cung, do vậy tước quan tước của ông ta và hạ chiếu cho Cao Quý Xương và Mã Ân tiến công. Vào mùa đông năm 907, Cao Quý Xương khiển bộ tướng Nghê Khả Phúc đến hợp binh với tướng Sở là Tần Ngạn Huy (秦彥暉) để tiến công Lãng châu (朗州)- thủ phủ của Vũ Trinh. Lôi Ngạn Cung cầu viện Hoằng Nông, Hoằng Nông vương Dương Ác khiển các tướng Linh Nghiệp (泠業) và Lý Nhiêu (李饒) đến cứu. Tuy nhiên, Linh Nghiệp và Lý Nhiêu bị tướng Hứa Đức Huân (許德勳) của Sở chặn lại và bắt giữ. Sau đó, Dương Ác lại khiển quân tiến công Trung Nghĩa và Kinh Nam, song đều bị đánh bại, trong đó Cao Quý Xương đánh bại 5.000 thủy quân Hoằng Nông dưới quyền tướng Lý Hậu (李厚).[9] Vào mùa hè năm 908, Lãng châu về tay Tần Ngạn Huy, Lôi Ngạn Cung chạy sang Hoằng Nông, song Vũ Trinh được sáp nhập vào lãnh thổ của Sở.[9] Đáp trả, Cao Quý Xương cho đóng quân tại Hán Khẩu[chú 15] để cắt đứt tuyến đường triều cống giữa Sở và kinh thành Lạc Dương của Hậu Lương. Sau đó, Mã Ân khiển Hứa Đức Huân đem thủy quân tiến công quân Kinh Nam, Cao Quý Xương quyết định cầu hòa trước khi Hứa Đức Huân đến nơi.[10] Cũng vào năm 907, Hậu Lương Thái Tổ ban chức Đồng bình chương sự cho Cao Quý Xương.[7]

Cũng vào năm 908, khi Lương Chấn (梁震)- người từng thi đỗ Tiến sĩ vào những năm Đường mạt- từ Lạc Dương trở về quê hương thuộc lãnh địa của Tiền Thục. Khi Lương Chấn đi qua Giang Lăng, Cao Quý Xương gặp mặt và ấn tượng với tài năng trí tuệ của ông ta, do đó muốn giữ ông ta ở lại Kinh Nam giữ chức phán quan. Do Cao Quý Xương có xuất thân thấp kém, Lương Chấn xem việc phụng sự Cao Quý Xương là một sự sỉ nhục, song cũng không dám đi vì sợ gặp họa. Do đó, Lương Chấn nói với Cao Quý Xương: Chấn xưa nay chưa từng muốn vẻ vang làm quan, Minh Công không xem Chấn là kẻ ngu muội, lại muốn cho làm tham mưu nghị. [Ta] có thể mặc bạch y hầu hạ, hà tất phải ở tại mạc phủ, Cao Quý Xương đồng ý. Từ đó cho đến cuối đời, Lương Chấn chỉ xưng là Tiền Tiến sĩ, không thụ tịch thự của họ Cao. Cao Quý Xương rất xem trọng Lương Chấn, dùng làm mưu chủ, gọi là tiên bối.[10]

Năm 909, các binh sĩ Trung Nghĩa tiến hành binh biến và sát hại lưu hậu Vương Ban (王班), ủng hộ người của họ là Lý Hồng (李洪) làm lưu hậu. Lý Hồng quy phục và cầu viện Tiền Thục, ông ta sau đó cũng tiến công Kinh Nam, song bị Cao Quý Hưng khiển Nghê Khả Phúc đem quân đẩy lui. Hậu Lương Thái Tổ sau đó khiển Mã bộ đô chỉ huy sứ Trần Huy (陳暉) đem quân đến hội với quân Kinh Nam để thảo phạt Lý Hồng. Liên quân nhanh chóng chiếm được thủ phủ Tương châu (襄州) của Trung Nghĩa quân, bắt Lý Hồng và giải đến Lạc Dương để hành hình.[10]

Năm 910, Mã Ân phái quân tiến công Kinh Nam, song bị Cao Quý Xương đánh bại và đẩy lui.[10]

Năm 912, theo ghi chép thì Cao Quý Xương bắt đầu suy tính chuyện cát cứ Kinh Nam, do đó ông bèn tấu xin được xây ngoại quách cho thành Giang Lăng để tăng cường khả năng phòng thủ.[11]

Tiếp tục phụng sự Hậu Lương

sửa

Vào mùa hè năm 912, Dĩnh vương Chu Hữu Khuê sát hại Hậu Lương Thái Tổ, sau đó tức hoàng đế vị.[11] Cuối năm 912, tướng Ngô (tức Hoằng Nông) là Hoài Nam tiết độ phó sứ Trần Chương (陳璋) đem quân công chiếm Nhạc châu[chú 16] của Sở. Sau đó, Trần Chương tiến công Kinh Nam, Cao Quý Hưng cử Nghê Khả Phúc cự chiến, Trần Chương không thể chiếm được quân này và phải triệt thoái. Quân Kinh Nam và Sở sau đó hội binh ở Giang Khẩu[chú 17] để chặn đường, song Trần Chương vẫn thoát được.[11]

Đồng thời, Cao Quý Xương suất binh, tuyên bố là giúp Hậu Lương chống Tấn, tiến công Tương châu (襄州)- thủ phủ của Sơn Nam Đông đạo (tức Trung Nghĩa quân). Sơn Nam Đông đạo tiết độ sứ Khổng Kình (孔勍) đánh bại Cao Quý Hưng. Theo ghi chép, từ sau trận chiến này, Cao Quý Xương ngừng gửi cống phẩm cho triều đình Hậu Lương.[11]

Năm 913, Chu Hữu Trinh đoạt lấy hoàng vị Hậu Lương, đổi tên thành Chu Trấn, ông ta cố gắng xoa dịu Cao Quý Xương bằng việc phong tước Bột Hải vương cho Cao Quý Xương. Tuy nhiên, Cao Quý Hưng vẫn bắt đầu gây dựng một hạm đội, phát triển lên tới 500 thuyền, tu sửa thành hào, bổ sung khí giới, chuẩn bị công thủ, chiêu tụ những người tị nạn. Hơn nữa, ông bắt đầu giao thông với Tiền Thục và Ngô, triều đình Hậu Lương không thể ngăn chặn.[11]

Năm 914, Cao Quý Xương suất thủy quân ngược dòng Trường Giang, cố đoạt lấy bốn châu của Thục song trước đó thuộc về Kinh Nam: Quỳ châu (夔州), Vạn châu (萬州), Trung châu (忠州), và Phủ châu (涪州)- nay đều thuộc Trùng Khánh. Trong cuộc tiến công đầu tiên vào Quỳ châu, Cao Quý Xương định dùng hỏa thuyền đốt chiến hạm Tiền Thục, song quân Tiền Thục trước đó đã căng xích sắt ngang sông, thuyền Kinh Nam không thể tiến được. Gặp đúng hướng gió, ngọn lửa hướng ngược về quân Kinh Nam, binh sĩ Kinh Nam chết cháy và chết đuối rất nhiều. Sau cuộc tiến công của Cao Quý Xương, có người đề xuất với Hoàng đế Tiền Thục Vương Kiến rằng hãy phá một con đập ở vùng Tam Hiệp để dùng dòng nước hủy diệt Giang Lăng, song Vương Kiến không làm như vậy vì e ngại sẽ làm hại nhiều dân thường vô tội.[12]

Năm 917, Cao Quý Xương và Khổng Kình khôi phục quan hệ, ông lại nộp cống phẩm cho triều đình Hậu Lương.[12]

Năm 919, quân Sở tiến công Kinh Nam, Cao Quý Xương cầu viện Ngô. Ngô khiển Trấn Nam tiết độ sứ Lưu Tín (劉信) đem bộ binh tiến công Đàm châu[chú 18]- thủ đô của Sở, khiển Vũ Xương tiết độ sứ Lý Giản (李簡) đem thủy binh tiến công Phục châu[chú 19]. Do quân Ngô tiến đến Đàm châu, quân Sở buộc phải bỏ tiến công Kinh Nam và triệt thoái, song Sở để mất Phục châu về tay Ngô.[13]

Năm 921, Cao Quý Xương lệnh cho Đô chỉ huy sứ Nghê Khả Phúc đem 10 vạn tốt tu sửa ngoại quách của thành Giang Lăng. Khi Cao Quý Xương đích thân đến thị sát, ông trách Nghê Khả Phúc tiến hành công trình một cách chậm chạp, phạt đánh trượng vị thông gia này. Tuy nhiên, ông lại nói với nhi nữ (làm dâu của Nghê Khả Phúc): "Truyền lại lời cho cha chồng của con: Ta chỉ muốn uy chúng nên mới trừng phạt ông ta thôi." Ông cũng bí mật đưa vài trăm lượng bạc cho bà để giao cho Nghê Khả Phúc.[14]

Thời Hậu Đường Trang Tông

sửa

Năm 923, Tấn vương Lý Tồn Úc xưng là Hoàng đế của triều Hậu Đường, tức Hậu Đường Trang Tông, sau đó tiêu diệt triều Hậu Lương. Các tiết độ sứ do Hậu Lương bổ nhiệm, bao gồm Cao Quý Xương đều dâng biểu cam kết trung thành với Hậu Đường. Cao Quý Xương còn đổi tên thành Cao Quý Hưng do húy kỵ tổ phụ Lý Quốc Xương của Hậu Đường Trang Tông. Để thể hiện lòng trung thành, Cao Quý Hưng còn muốn đến Đại Lương để triều kiến Hoàng đế Hậu Đường. Tuy nhiên, Lương Chấn cố ngăn cản ông, nói rằng:[15]

Đường có ý muốn thôn tính Thiên hạ. [Ta] nghiêm binh thủ hiểm vẫn còn chưa thể tự bảo vệ được mình, huống hồ là vượt cả nghìn nhập triều! Hơn nữa, Công là cựu tướng của họ Chu, sao biết được là họ không lấy cựu thù mà đối đãi?

Cao Quý Hưng không nghe theo và vẫn đến Đại Lương, Hậu Đường Trang Tông cho ông giữ chức Trung thư lệnh. Trong một dịp, Hoàng dế hỏi Cao Quý Hưng: "Trẫm muốn dụng binh đánh hai nước Thục và Ngô, vậy nên đánh nước nào trước?" Cao Quý Hưng không thực tâm muốn Hậu Đường thắng lợi, lại thấy đường vào Thục hiểm trở gian nan, nên đáp "Ngô đất xấu dân nghèo, chiến thắng cũng vô ích, nên phạt Thục trước. Thục có đất đai phú nhiêu, chúa lại hoang dâm còn dân thì oán, phạt Thục tất thắng lợi. Sau khi đoạt được Thục, việc xuôi dòng [Trường Giang] chiếm Ngô là trong tầm tay." Hậu Đường Trang Tông cho sách lược này là hay.[15]

Không lâu sau, Hậu Đường Trang Tông định đô tại Lạc Dương, Cao Quý Hưng tháp tùng. Cao Quý Hưng nhanh chóng trở nên thất vọng trước việc các con hát và thái giám mà Hậu Đường Trang Tông sủng ái yêu cầu ông tặng quà, do vậy ông muốn trở về Kinh Nam. Tuy nhiên, Hậu Đường Trang Tông lại muốn giữ Cao Quý Hưng ở lại Lạc Dương. Xu mật sứ Quách Sùng Thao (郭崇韜) thì chỉ ra rằng các tiết độ sứ khác hầu hết chỉ cử tử, đệ, hay tướng tá nhập triều, chỉ có Cao Quý Hưng là đích thân đến; Quách Sùng Thao cho rằng giữ Cao Quý Hưng ở lại sẽ phát đi thông điệp sai; Hậu Đường Trang Tông chấp thuận và cho Cao Quý Hưng về Kinh Nam. Khi Cao Quý Hưng đến Hứa châu[chú 20], ông nói với hầu cận: "Chuyến đi này có hai điều sai: Cái sai thứ nhất là việc ta nhập triều; cái sai còn lại là thả cho ta đi." Khi ông đi qua Tương châu, Khổng Kình thiết tiệc nghênh đón ông, song đến đêm, Cao Quý Hưng cắt then cửa cổng thành và chạy trốn. Khi đến Giang Lăng, ông nắm tay Lương Chấn và nói: "Không dùng quân ngôn, suýt không thoát khỏi miệng hổ." Ông còn nói với tướng tá của mình:[15]

Tân triều bách chiến mới đoạt được Hà Nam [bờ nam Hoàng Hà], song Hoàng đế lại giơ tay lên mà nói với công thần: "Ta nhờ mười ngón này mà đoạt được Thiên hạ." Kiêu ngạo khoe khoang như vậy, nghĩa là xem những người khác đều không có công, tinh thần ắt sẽ mất. Hơn nữa, [Hoàng đế] lại chìm đắm trong cầm sắc, sao có thể tồn tại lâu dài, ta không cần ưu sầu.

Sau đó, ông cho tu bổ thành trì, tích thóc, chiêu nạp cựu binh của Hậu Lương, chuẩn bị cho việc phòng thủ trong chiến tranh.[15]

Năm 924, Hậu Đường Trang Tông cho Cao Quý Hưng kiêm chức Thượng thư lệnh, phong tước Nam Bình vương.[2]

Vào mùa thu năm 925, Hậu Đường quyết định phát động chiến dịch diệt Tiền Thục, bổ nhiệm Cao Quý Hưng làm Đông nam diện hành doanh đô chiêu thảo sứ, lệnh cho ông công chiếm Quỳ châu, Trung châu và Vạn châu để tuần thuộc. Cao Quý Hưng để nhi tử là Hành quân tư mã Cao Tòng Hối ở lại trấn thủ Giang Lăng, còn mình đem thủy quân ngược dòng Trường Giang. Sau đó, quân Kinh Nam bị cản trở do một chuỗi xích sắt lớn mà Hiệp lộ chiêu thảo sứ Trương Vũ (張武) của Thục thiết lập ở Tam Hiệp. Cao Quý Hưng phái quân đi phá xích sắt, song bị Trương Vũ tiến công và đánh bại, ông buộc phải trở về Giang Lăng.[2] khi hay tin Thục chủ Vương Diễn đầu hàng quân Hậu Lương, Cao Quý Hưng đang ăn thì liền buông đũa và nói: "Là lỗi của lão phu." Lương Chấn an ủi: "Không đáng để ưu sầu, Đường chủ đoạt được Thục thì ắt kiêu ngạo, sẽ sớm mất nước, sao biết được không phải là phúc của ta!"[16] Vào mùa hè năm 926, Hậu Đường Trang Tông bị giết trong một cuộc binh biến tại Lạc Dương, khi Cao Quý Hưng hay tin, ông càng xem trọng Lương Chấn.[17]

Thời Hậu Đường Minh Tông

sửa

Sau cái chết của Hậu Đường Trang Tông, Lý Tự Nguyên xưng đế, tức Hậu Đường Minh Tông. Trong khi đó, Cao Quý Hưng huy động thủy quân để tiến công Sở. Tông Quang Hiến- người được Lương Chấn tiến cử làm thư ký cho Cao Quý Hưng- chỉ ra rằng Kinh Nam chưa kịp phục hồi sau các cuộc chiến, và nếu nay lại giao chiến với Sở, các nước khác có thể thừa cơ tiến công Kinh Nam. Cao Quý Hưng đồng ý và dừng kế hoạch tiến công Sở. Trong khi đó, Cao Quý Hưng thượng biểu cầu giao ba châu Quỳ, Trung, Vạn cho Kinh Nam; Hậu Đường Minh Tông chấp thuận.[17]

Sau khi được trao cho ba châu Quý, Trung, Vạn, ông lại yêu cầu triều đình không bổ nhiệm thứ sử cho các châu này, thay vào đó để ông bổ nhiệm các thành viên trong gia tộc vào vị trí đó; Hậu Đường Minh Tông từ chối. Tiếp đó, khi Quỳ châu thứ sử Phan Kháng (潘炕) bãi quan, Cao Quý Hưng liền khiển binh đột nhập châu thành, giết chết các binh sĩ trấn thủ, từ đó kiểm soát trực tiếp Quỳ châu. Khi Hậu Đường Minh Tông bổ nhiệm Phụng Thánh chỉ huy sứ Tây Phương Nghiệp (西方鄴) làm Quỳ châu thứ sử, Cao Quý Hưng không cho Tây Phương Nghiệp đến nhậm chức. Ông cũng khiển binh tập kích Phù châu, song không thể chiếm được.[17]

Khi áp nha Hàn Củng (韓珙) đem vàng bạc châu báu của triều đình Tiền Thục xuôi dòng Trường Giang để đến Lạc Dương, Cao Quý Hưng khiển binh tập kích giết chết Hàn Củng ở cửa Tam Hiệp, cướp lấy tài sản. Khi Hậu Đường Minh Tông khiển sứ gạn hỏi, Cao Quý Hưng nói: "Củng và những người khác đi thuyền xuôi Hiệp qua vài nghìn lý. Nếu muốn biết vì nguyên nhân sao lại lật chìm, cứ đem nghi án hỏi thủy thần." Hậu Đường Minh Tông tức giận, tước đoạt quan tước của Cao Quý Hưng, cho Sơn Nam Đông đạo tiết độ sứ Lưu Huấn (劉訓) làm Nam diện chiêu thảo sứ, cùng Trung Vũ[chú 21] tiết độ sứ Hạ Lỗ Kỳ (夏魯奇) làm phó Chiêu thảo sứ, đem 4 vạn bộ-kị binh tiến công; Đông Xuyên[chú 22] tiết độ sứ Đổng Chương (董璋) làm Đông nam diện chiêu thảo sứ, Tây Phương Nghiệp làm phó, đem binh Thục xuôi Tam Hiệp hội với quân Sở của Mã Ân, tiến công Kinh Nam từ ba phía.[17]

Lưu Huấn nhanh chóng bao vây Giang Lăng, song Giang Lăng lại ẩm ướt trong mùa mưa, việc bao vây do vậy mà bị cản trở, binh sĩ và bản thân Lưu Huấn bị bệnh. Hậu Đường Minh Tông khiển Khổng Tuần đến Giang Lăng xem xét tình hình. Khổng Tuần cũng không thể chiếm được Giang Lăng, khiển sứ giả vào thành thuyết phục Cao Quý Hưng quy phục. Cao Quý Hưng không những từ chối mà còn vô lễ với sứ giả của Khổng Tuần. Trong khi đó, bất chấp việc nhận được quà của Hậu Đường Minh Tông, Mã Ân vẫn không tiến công Giang Lăng. Do bao vây thất bại, Hậu Đường Trang Tông lệnh cho Lưu Huấn triệt thoái. Tuy nhiên, Tây Phương Nghiệp đánh bại được quân Kinh Nam đóng ở Quỳ châu, Trung châu và Vạn châu, tái chiếm ba châu này cho triều đình Hậu Đường. Hậu Đường Minh Tông cho lập ra Ninh Giang quân, trị sở tại Quý châu, bổ nhiệm Tây Phương Nghiệp làm Ninh Giang tiết độ sứ.[17] Mặc dù Tây Phương Nghiệp chiến thắng, Hậu Đường Minh Tông định tội các cựu tể tướng Đậu Lô CáchVi Thuyết vì từng tán thành việc trao ba châu cho Cao Quý Hưng, lệnh cho hai người này phải tự sát.[4]

Đồng thời, Cao Quý Hưng chặn và bắt giữ sứ giả do Mã Ân khiển sang Hậu Lương là Sử Quang Hiến (史光憲) trên đường người này trở về, cùng với các quà tặng do Hậu Đường Minh Tông gửi cho Mã Ân. Sau đó, ông dâng biểu xin được làm thần của Ngô. Tuy nhiên, phụ chính Từ Ôn của Ngô cho rằng Ngô không có lợi nếu nhận Cao Quý Hưng làm chư hầu, vì Giang Lăng quá gần với Lạc Dương so với kinh đô Quảng Lăng[chú 23] của Ngô và do đó Ngô sẽ gặp khó khăn nếu cứu viện cho Kinh Nam; do đó Từ Ôn nhận cống phẩm của Cao Quý Hưng song từ chối nhận Cao Quý Hưng làm chư hầu.[17]

Vào mùa xuân năm 928, Tây Phương Nghiệp chiếm được Quy châu[chú 24] của Kinh Nam, song ngay sau đó quân Kinh Nam tái chiếm được châu này.[4]

Năm 928, Mã Ân khiển Lục quân sứ Viên Thuyên (袁詮), Phó sứ Vương Hoàn (王環), và nhi tử là giám quân Mã Hy Chiêm (馬希瞻) đem thủy quân tiến công Kinh Nam. Sau khi quân Sở đại thắng quân Kinh Nam tại Lưu Lang Phục[chú 25], Cao Quý Hưng lo sợ và trao trả Sử Quang Hiến cho Sở. Sau đó, khi Mã Ân trách mắng Vương Hoàn về việc không tiếp tục tiến công để diệt Kinh Nam, Vương Hoàn đáp: Giang Lăng nằm giữa Trung triều [tức Hậu Đường], Ngô, và Thục, là đất tứ chiến. Tốt nhất là để nó tồn tại nhằm che chắn cho ta, Mã Ân hiểu ra.[4]

Vào mùa hè 928, một vạn thủy quân Ngô dưới quyền chỉ huy của Hữu hùng vũ quân sứ Miêu Lân (苗璘) và Tĩnh Giang thống quân Vương Ngạn Chương (王彥章) tiến công Nhạc châu của Sở, hội binh với Kinh Nam. Hứa Đức Huân đánh bại quân Ngô, song không rõ quân Kinh Nam có thực sự tham chiến hay không.[4]

Không lâu sau, Cao Quý Hưng lại xin làm chư hầu của Ngô, lúc này Từ Ôn đã qua đời và con nuôi là Từ Tri Cáo nắm quyền phụ chính, Ngô chấp thuận cho Cao Quý Hưng làm chư hầu, phong tước Tần vương. Hậu Đường Minh Tông sau đó hạ chiếu cho Mã Ân tiến công Cao Quý Hưng, Mã Ân khiển Hứa Đức Huân đem binh công Kinh Nam, cho Mã Hy Phạm làm giám quân, tiến tới Sa Đầu[chú 26]. Khi quân Kinh Nam và quân Sở chạm trán, cháu của Cao Quý Hưng là Cao Tòng Tự (高從嗣) thách Mã Hy Phạm đọ sức một trận duy nhất để phân thắng bại, phó chỉ huy sứ Liệu Khuông Tề (廖匡齊) của Sở đem quân giao chiến và giết chết Cao Tòng Tự. Sau đó, Cao Quý Hưng cầu hòa, Mã Ân chấp thuận và lệnh cho Hứa Đức Huân và Mã Hy Phạm triệt thoái.[4]

Vào mùa thu năm 928, Hậu Đường Minh Tông cho Vũ Ninh tiết độ sứ Phòng Tri Ôn (房知溫) kiêm Kinh Nam hành doanh chiêu thảo sứ, huy động quân các đạo tập trung tại Tương châu để chuẩn bị tiến công Giang Lăng. Tuy nhiên, trước khi quân Hậu Đường có thể hội binh và tiến công, Cao Quý Hưng lâm bệnh rồi qua đời vào ngày Bính Thìn tháng 12 ÂL. Hoàng đế Ngô là Dương Phổ bổ nhiệm Cao Tòng Hối làm Kinh Nam tiết độ sứ, sau đó Cao Tòng Hối quy phục Hậu Đường Minh Tông, xin làm chư hầu của Hậu Đường. Vào mùa xuân năm 929, Hậu Đường Minh Tông chấp thuận và chấm dứt chiến dịch chống Kinh Nam.[4] Tháng thứ 1 năm Trường Hưng thứ 1 (930), Hậu Đường Minh Tông truy phong Cao Quý Hưng là Sở vương, thụy hiệu "Vũ Tín".[3]

Chú thích

sửa
  1. ^ Năm 924, Hậu Đường Trang Tông phong Cao Quý Hưng là Nam Bình vương. Năm 912 Cao Quý Xương từng tạm thời cắt đứt quan hệ triều cống với hoàng đế Chu Trấn của Hậu Lương. Năm 913, Chu Trấn phong Cao Quý Hưng là Bột Hải vương. Năm 927, Hậu Đường Minh Tông tuyên bố thảo phạt Cao Quý Hưng song sau đó không thể chinh phục Kinh Nam.
  2. ^ 陝州峽石, nay thuộc đông nam Tam Môn Hiệp, Hà Nam
  3. ^ 汴州, nay thuộc Khai Phong, Hà Nam
  4. ^ 宣武, trị sở tại Biện châu
  5. ^ 鳳翔, trị sở nay thuộc Bảo Kê, Thiểm Tây
  6. ^ 護國, trị sở nay thuộc Vận Thành, Sơn Tây
  7. ^ 宋州, nay thuộc Thương Khâu, Hà Nam
  8. ^ 平盧, trị sở nay thuộc Duy Phường, Sơn Đông
  9. ^ 潁州, nay thuộc Phụ Dương, An Huy
  10. ^ 忠義, trị sở nay thuộc Tương Dương, Hồ Bắc
  11. ^ 荊南, trị sở nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc
  12. ^ 武貞, trị sở nay thuộc Thường Đức, Hồ Nam
  13. ^ 公安, nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc
  14. ^ 涔陽, nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc
  15. ^ 漢口, nay thuộc Vũ Hán, Hồ Bắc
  16. ^ 岳州, nay thuộc Nhạc Dương, Hồ Nam
  17. ^ 江口, nơi Hán Thủy đổ vào Trường Giang
  18. ^ 潭州, nay thuộc Trường Sa, Hồ Nam
  19. ^ 復州, nay thuộc Thiên Môn, Hồ Bắc
  20. ^ 許州, nay thuộc Hứa Xương, Hà Nam
  21. ^ 忠武, trị sở nay thuộc hứa Xương, Hà Nam
  22. ^ 東川, trị sở nay thuộc Miên Dương, Tứ Xuyên
  23. ^ 廣陵, nay thuộc Dương Châu, Giang Tô
  24. ^ 歸州, nay thuộc Nghi Xương, Hồ Bắc
  25. ^ 劉郎洑, nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc
  26. ^ 沙頭, nay thuộc Kinh Châu, Hồ Bắc

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b c Viện Nghiên cứu Trung ương (Đài Loan) Chuyển hóa lịch Trung-Tây 2000 năm.
  2. ^ a b c Tư trị thông giám, quyển 273.
  3. ^ a b c d e f Tân Ngũ Đại sử, quyển 69.
  4. ^ a b c d e f g h Tư trị thông giám, quyển 276.
  5. ^ a b Cựu Ngũ Đại sử, quyển 133.
  6. ^ a b Tư trị thông giám, quyển 263.
  7. ^ a b c Thập Quốc Xuân Thu, quyển 100.
  8. ^ Tư trị thông giám, quyển 265.
  9. ^ a b c d Tư trị thông giám, quyển 266.
  10. ^ a b c d Tư trị thông giám, quyển 267.
  11. ^ a b c d e Tư trị thông giám, quyển 268.
  12. ^ a b Tư trị thông giám, quyển 269.
  13. ^ Tư trị thông giám, quyển 270.
  14. ^ Tư trị thông giám, quyển 271.
  15. ^ a b c d Tư trị thông giám, quyển 272.
  16. ^ Tư trị thông giám, quyển 274.
  17. ^ a b c d e f Tư trị thông giám, quyển 275.
  NODES