Hồ Đắc Điềm (1899-1986) là Tiến sĩ Luật, Giáo sư Việt Nam, quan nhà Nguyễn ngạch Tư pháp, đã từng giữ chức Bố chánh tỉnh Bắc Ninh, Tổng đốc Hà Đông. Sau năm 1945 ông là nhân sĩ trí thức, tham gia bộ máy chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hồ Đắc Điềm
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1899
Nơi sinh
Thừa Thiên Huế
Mất
Ngày mất
1986
Nơi mất
Hà Nội
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Hồ Đắc Trung
Phối ngẫu
Hoàng Thị Lý
Hậu duệ
Hồ Thị Thể Tần, Hồ Đắc Hoài
Nghề nghiệpchính khách, luật sư
Quốc tịchViệt Nam

Gia thế

sửa

Ông xuất thân trong gia đình dòng dõi quý tộc nổi tiếng ở kinh đô Huế. Ông quê ở làng An Truyền, tổng Quảng Xuyên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (nay là huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Thân sinh ông là Khánh Mỹ quận công Hồ Đắc Trung, đỗ Cử nhân, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Học, Đông các Đại học sĩ, sung Cơ mật đại thần, tứ trụ đại thần triều đình thời vua Duy Tân và Khải Định [1].

Người anh là Cử nhân Nho học Hồ Đắc Khải giữ chức Thượng thư bộ Hộ. Ba người em trai là Bác sĩ Hồ Đắc Di sau là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội), Kỹ sư Khoáng học Hồ Đắc Liên (sau là Cục trưởng Cục Địa chất) và Tiến sĩ Dược khoa Hồ Đắc Ân (Phó chủ tịch Hội trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh). Bốn người em gái là Hồ Thị Chỉ - là vợ vua Khải Định, Hồ Thị Hạnh - tức sư bà Diệu Không, Hồ Thị PhươngHồ Thị Huyên - là vợ Hoàng thân Nguyễn Phúc Ưng Úy.

Tuy xuất thân Nho học, nhưng cha, mẹ ông là cụ Châu Thị Ngọc Lương đều hướng các con theo hướng văn hóa Tây phương. Bốn anh em trai đều được sang Pháp học tập.

Ông lấy vợ là Hoàng Thị Lý con gái Võ hiển điện Đại học sĩ Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà đông.

Ban đầu ông sang Pháp học Tiến sĩ luật. Vợ ông cũng sang theo để cơm nước nuôi bốn anh em nhà chồng học hành đỗ đạt. Đang làm luật sư bên Pháp cùng ông Trịnh Đình Thảo thì ông được gọi về nước.

Cuộc sống ở Huế

sửa

Ông theo ngạch tư pháp và hành chính. Ban đầu ông làm Tham tri Bộ Hình ở Huế.

Ông thích tự do cho nên đã học cả kịch nghệ định mở gánh hát, và đã cùng với ông Khái Lợi ở phố Đông Ba lập ra nhà chiếu bóng Tân Tân ở Huế, mua nhiều phim châu Âu về chiếu. Ông còn đi dạy ở trường Hồ Đắc Hàm, một kiểu trường bổ túc văn hoá cho người nghèo. Suốt đời ông tha thiết với việc nâng cao dân trí, là người luôn đi đầu trong phong trào xoá nạn mù chữ, bình dân học vụ từ năm 1945 cho đến khi nhắm mắt.

Ra miền bắc

sửa

Sau đó ông ra miền Bắc, là Giáo sư Việt Nam đầu tiên tại Trường Đại học Luật khoa Hà nội, sau làm Chánh án Toà Thượng thẩm Hà Nội. Năm 1937 ông tham gia bào chữa trong vụ án xét xử Phan Tư Nghĩa[2] rồi chuyển làm quan Bố chánh tỉnh Bắc Ninh.

Ông có cuộc sống vật chất đầy đủ, biệt thự Hà nội tại 72 phố Nguyễn Du, 2 biệt thự nghỉ mát ở Tam Đảo, trang trại hàng nghìn mẫu ở huyện Tiên Lãng tỉnh Kiến An, trong nhà có 2 chiếc ô tô riêng[3].

Tổng đốc Hà Đông

sửa

Dòng dõi nhà vợ ông từng 2 đời làm Tổng đốc Hà Đông trước năm 1945. Hồi đó tỉnh Hà đông là tỉnh lớn và quan trọng ở Bắc Kỳ. Cha vợ ông lúc đó làm Hiệp biện đại học sĩ, Chủ tịch Ủy ban tương tế xã hội trung ương Bắc Kỳ, hàm Thái tử Thiếu bảo là quan hàm cao nhất của Nam triều, đã thiết lập một trại ấp "từ thiện" và đã dày công chấn hưng thủ công mỹ nghệ dân tộc, chọn các nghệ nhân đưa sang Trung quốc học nghề lụa tơ tằm, sang Nhật học sơn mài, rồi cả nghề mộc nghề bạc, mở cả bảo tàng mỹ nghệ cho các nghệ nhân La Cả La Khê. Vì muốn ông duy trì các nghề thủ công mỹ nghệ nên đưa ông về làm Tổng đốc Hà đông. Ông kế nhiệm ông Vi Văn Định (là cha vợ Hồ Đắc Di, em trai ông) làm Tổng đốc Hà đông năm 1941.

Năm 1945 khi Nhật đảo chính Pháp đã mời ông làm Khâm sai Bắc Bộ phủ, nhưng ông đều từ chối. Và ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã đứng về phía Việt Minh trao ấn kiếm cho ông Đặng Kim Giang người sẽ là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Hà Đông. Ngày 21-8-1945, khi Quản Dưỡng, Chỉ huy Bảo an binh ở Hà Đông đã cho nổ súng vào đoàn biểu tình, gây thương vong; cán bộ Việt Minh Lê Trọng Nghĩa đã cùng ông vào tận Trại Bảo an binh thuyết phục Quản Dưỡng quy hàng.

Hoạt động trong hai cuộc kháng chiến

sửa

Trong những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngôi nhà của gia đình ông tại số 8 Lê Thái Tổ là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc, tiếp khách.

Khi theo cách mạng, ông hiến toàn bộ đồn điền ấp Vinh Quang ở tỉnh Kiến An cho cách mạng và số thóc trong kho để nuôi dân quần, du kích, chỉ yêu cầu giữ lại khoảng 500 thúng, để khi gặp khó khăn trong kháng chiến sẽ phải dùng đến.

Khi toàn quốc kháng chiến gia đình ông tham gia kháng chiến tại Thanh Hóa. Năm 1947 ông làm Chủ tịch Hội đồng Tư luật Liên khu IV.

Năm 1951 ông giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân Liên khu 4 ở Thanh Hóa, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên Việt Liên khu IV (giai đoạn 1947-1954).

Năm 1954 ông về Thủ đô, suốt 30 năm cuối đời, ông đã dành toàn bộ công sức vào công cuộc xoá mù chữ, giữ cương vị Trưởng ban chỉ đạo Xóa mù chữ, bổ túc văn hóa Thành phố, Trưởng tiểu ban bổ túc văn hóa của HĐND Thành phố. Ông làm việc đầy nhiệt huyết, hăng say. Ông còn nổi tiếng trong phong trào xóa nạn mù chữ ở Thủ đô theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:"Chú là một nhà đại trí thức, chú phải sẻ chữ cho đồng bào ít chữ". [4], rồi công tác đến bình dân học vụ, bổ túc văn hoá với chức danh Uỷ viên Ủy ban hành chính Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội[5], Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Ủy viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá III.[6]

Trân trọng một gia đình "đại trí thức" (chữ Hồ Chủ tịch dùng) đã hết lòng phụng sự cách mạng và nhân dân, Tết năm Quý Mão 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm gia đình ông.

Vào năm 1977, có một cuộc hội ngộ thật cảm động, năm anh em ruột Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di (Hà Nội), Hồ Đắc Ân (Thành phố Hồ Chí Minh), Hồ Thị Hạnh - tức Sư Bà Diệu Không (Huế) và Hồ Thị Chỉ (tức Ân phi của vua Khải Định) đã vinh dự là đại biểu dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đầu tiên của đất nước thống nhất. Đúng là một cuộc trùng phùng đẹp đẽ, có ý nghĩa lịch sử

Năm 1986 ông mất tại Hà Nội, thọ 87 tuổi.

Gia đình

sửa

Vợ ông là bà Hoàng Thị Lý, con gái Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu.

Con gái ông là Hồ Thị Thể Tần nguyên giáo viên Văn Trường cấp 3 Trưng Vương, Hà Nội sau chuyển về làm việc ở Sở Giáo dục Hà Nội rồi Bộ Giáo dục cho đến khi nghỉ hưu, có chồng là Luật gia Phạm Thành Vinh, Chánh Văn phòng đầu tiên của Bộ Quốc phòng. Hai người là dịch giả của hai tiểu thuyết "Con đường đau khổ", "Chuông nguyện hồn ai". Cháu gái ông là Tiến sĩ Phạm Thị Như Anh, kiều bào tại CHLB Đức, Chủ tịch Hội bảo trợ văn hoá truyền thống các nước ASEAN ở CHLB Đức.

Con trai ông là Hồ Đắc Hoài, thế hệ kỹ sư địa chất đầu tiên học ở Liên Xô (cũ), sau này là Viện trưởng Viện Dầu khí, Viện trưởng Viện Đất hiếm, Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban liên lạc họ Hồ Việt Nam khóa II.

Chú thích

sửa
  1. ^ “Diendankienthuc.net”. Truy cập 14 tháng 3 năm 2015.[liên kết hỏng]
  2. ^ Dương Đức Quảng (4 tháng 11 năm 2007). “Bản sao đã lưu trữ”. Báo Công an nhân dân điện tử. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |tên bài=|title= (trợ giúp)
  3. ^ Hoàng Đại Dương (22 tháng 6 năm 2005). “Tam Đảo ký sự: Kỳ 4: 'Gõ cửa' những nền biệt thự cũ ở Tam Đảo”. Báo điện tử VietNamNet. Truy cập ngày 30 tháng 5 năm 2014.
  4. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2012.
  5. ^ “Hệ thống thông tin VBQPPL”. Truy cập 14 tháng 8 năm 2016.
  6. ^ “Thông tin công tác Mặt trận”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 7 năm 2013. Truy cập 30 tháng 10 năm 2015.
  NODES