Thái học (Hán văn: 太學) là học phủ tối cao trong hệ thống giáo dục cổ điển Á Đông, tương tự cao đẳng giáo dục ngày nay[1][2][3][4].

Lịch sử

sửa
 
Khuê Văn các (奎文閣) Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tôn biểu tượng thành Hà Nội. Qua nhiều lần trùng tu, công trình nay đã biến dạng.

Bắt đầu từ triều Châu đã dựng Thái Học cung (太學宮) tục gọi Bích Ung (辟雍, 璧雍, 辟雝), vốn là một thủy tọa. Con em quý tộc phải vào đấy học lễ nghi, âm nhạc, vũ đạo, kị xạ. Đại đái lễ kí thiên Bảo phụ : "Hoàng đế vào Thái Học, nhờ thầy dạy bảo" (帝入太學,承師問道). Lễ kí thiên Vương chế : "Đại học ở ngoại đô, thiên tử gọi Bích Ung, chư hầu gọi Phán Cung" (大學在郊,天子曰辟雍,諸侯曰泮宮). Ngũ kinh thông nghĩa : "Thiên tử lập Bích Ung mà làm gì ? Sở dĩ làm lễ nhạc, tuyên ban giáo hóa, để mà dạy người thiên hạ, sai bảo con em quý tộc, nuôi Tam Lão, thờ Ngũ Điều, khiến chư hầu hành xử theo lễ nghĩa" (天子立辟雍者何?所以行禮樂,宣教化,教導天下之人,使為士君子,養三老,事五更,與諸侯行禮之處也).

Thái học nhìn chung gắn với mạng vận Nho giáo và hệ thống khoa cử, nhưng nhờ sự trường tồn cả ngàn năm trong lịch sử nên cơ sở này có đóng góp nhất định trong việc giáo dục hiền tài, đồng thời ít nhiều giữ cái cao khiết của đạo đức xã hội ngay trong những thời khắc nhiễu nhương nhất. Tuy nhiên, mặc dù có định chế giảng học rất nghiêm, nhưng trong trường kì lịch sử hãn hữu lắm mới thấy thái học sinh đỗ khoa cử. Thường những người này học xong được bổ vào những chức vụ nhỏ và tại nhậm tới ngày về trí sĩ.

  • Trung Hoa

Từ triều Hán về sau, Thái Học cung chỉ đặt tại kinh đô, con em quý tộc vào học được gọi quốc tử, lấy đạo Nho làm căn bản giáo huấn. Sang triều Tùy, Thái Học cung đổi thành Quốc Tử giám (國子監)[5]. Theo truyền thống, các địa phương xa kinh kì chỉ có Thượng tường (上庠) là học phủ tương tự, con em thường dân được phép tham dự.

  • Cao Ly

Ngay từ triều Hán, tại Cao Cú Ly đã có Thái Học cung phỏng theo thiết chế vùng lõi Hán quyển. Sau đó, tại Tân La cũng lập Quốc Học phủ (國學府). Triều Cao Ly lập Quốc Tử giám (國子監), triều Triêu Tiên đổi gọi Thành Quân quán (成均館). Mãi tới mạt kì mới dần cho phép nhà thường dân nộp lương tiền để con em vào học.

  • An Nam
 
Kiểu áo giám sinh An Nam thời Lê mạt.
 
Kiểu áo giám sinh An Nam thời Nguyễn mạt.

Cứ Đại Việt sử kí toàn thư, năm Thần Võ thứ nhì (1070) triều Lý Thánh Tông mới lập văn miếu ở hướng Nam tử cấm thành Thăng Long, vừa để thờ liệt thánh đạo Nho vừa làm học phủ của riêng thái tử Càn Đức, sau là hoàng đế Lý Nhân Tông. Năm 1076, khi đã yên vị, Lý Nhân Tông hoàng đế mới cho lập Quốc Tử giám bề thế hơn ở bên hữu văn miếu. Việc huấn đạo chủ yếu do các văn thần đảm trách, chỉ con em quý tộc mới được nhập học.

Năm Nguyên Phong thứ ba (1253) triều Trần Thái Tông, cải xưng Quốc Học viện (國學院)[7], cho con em thường dân có hạnh kiểm khá được vào học. Việc giảng học từ đấy mới tiến triển với quy mô phức tạp hơn. Năm 1370, hoàng đế Trần Nghệ Tông thậm chí cho lập điện thờ trọng thần Chu An ở cạnh văn miếu, điều trước đây chưa từng có. Từ năm 1484, hoàng đế Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng thạch bi đề danh các tân khoa tiến sĩ để khích lệ sĩ quân tử gắng dùi kinh mài sử[8].

Năm 1762, khi quốc vận đã suy, sự học bắt đầu thoái trào, hoàng đế Lê Hiển Tông lại cho sửa thành Quốc Tử giám, nhưng quy mô không bằng trước. Sang triều Nguyễn, Quốc Tử giám đặt tại thần kinh Huế với quy mô vượt hẳn. Năm 1820, hoàng đế Nguyễn Thánh Tổ cho dựng Thành Quân quán trên nền Đốc Học đường thời Thế Tổ. Tại cố đô đổi gọi văn miếu Hà Nội làm nơi thờ liệt thánh và là thượng tường Hoài Đức phủ.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí, ở cố đô Đông Kinh từng có những học phủ thiết chế như Quốc Tử giám, nhưng để đào tạo quan viên, học khóa chỉ 3 năm, gồm: Chiêu Văn quán, Sùng Văn quán, Tú Lâm cục, Trung Thư giám[9].

國子監雙孔雀 Quốc Tử Giám song khổng tước
久馴明教戀明倫,Cửu tuần minh giáo luyến minh luân,
止路奚惟瑞啟文。Chỉ lộ hề duy thụy khải văn.
日向聖庭聯舞翅,Nhật hướng thánh đình liên vũ sí,
時棲青樹映祥雲。Thì thê thanh thụ ánh tường vân.
文章錦繡雖無異,Văn chương cẩm tú tuy vô dị,
冠距雌雄似有分。Quán cự thư hùng tự hữu phần.
羽族看來誰並美,Vũ tộc khán lai thùy tịnh mĩ,
九皋鳴鶴好同群。Cửu cao minh hạc hiếu đồng quần.
Đôi hạc lớn ở Quốc Tử Giám (Phan Văn Các dịch)
Luân thường vâng dạy vốn xưa nay,
Kiến thức trau dồi trước cổng này.
Ngày hướng thánh đình liền vỗ cánh,
Thường mơn cây cỏ sáng lành mây.
Đẹp tươi dáng vẻ tuy không khác,
Trống mái cựa lông vẫn rõ bày.
Chim chóc vẻ như đều kém đẹp,
Riêng cao tiếng hạc muốn cùng bầy.

Hình ảnh

sửa

Văn hóa

sửa

Ngày nay, Thành Quân Quán đại học hiệu được lập từ năm 1946 trên nền cổ tích Thành Quân quán, để vừa tôn vinh vừa kế tục cơ sở cũ trong việc giáo dục hiền tài tại Hàn Quốc.

Tại Việt Nam nay chỉ còn khu cổ tích liệt hạng Văn Miếu - Quốc Tử Giám[10] Hà Nội đã sập trong giai đoạn Toàn quốc kháng chiến (một số thạch bi hỏng nặng do tự vệ quân đem làm bia tập bắn) sau được trùng tu giai đoạn 1948-50 dưới chính thể Quốc gia Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2003, tại cổ tích này duy trì sinh hoạt Ngày Thơ Việt Nam hàng năm nhằm lễ Nguyên Tiêu. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2004, do ảnh hưởng của các trào lưu mạng xã hội, truyền thông và công luận thường phải lên tiếng phẫn nộ trước hành vi phá hoại cổ vật của khách tham quan người Việt, đặc biệt thế hệ trẻ - những người vốn không còn cơ hội tiếp xúc văn hóa Hán tự[11]. Tới mức, ban quản lý khu cổ tích phải lập đội tình nguyện viên đứng giám sát từng thạch bi để ngừa khách làm xước di vật, thậm chí đứng hoặc ngồi lên thạch bi tiến sĩ để chụp ảnh. Trên mái cổ tích lúc nào cũng có người rải tiền lẻ để lấy may thi cử hoặc buôn bán.

Thành Quân quán Huế ban đầu ở ngoại thành rồi bị hư nặng do trận bão Giáp Thìn (1904) nên phải dời vào thành, đổi gọi Quốc Tử giám, tuy được phục hồi nhưng quy mô kém hẳn. Sau Chiến dịch Mậu Thân (1968), cả hai công trình cũ-mới đều bị bom đạn phá tan hoang. Từ thập niên 1970, chính quyền Huế theo lệnh chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng cố công khắc phục nhưng nhìn chung chỉ còn phế tích. Tới nay, khu cổ tích này được đổi thành Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế[12].

Tham khảo

sửa

Liên kết

sửa
  1. ^ Michael Sullivan (1962). The Birth of Landscape Painting in China. University of California Press. tr. 26–. GGKEY:APYE9RBQ0TH.
  2. ^ Michael Sullivan (1980). Chinese landscape painting. University of California Press. tr. 26.
  3. ^ Wesley M. Wilson (ngày 1 tháng 2 năm 1997). Ancient civilizations, religions, Africa, Asia, world problems & solutions. Professional Press. tr. 192.
  4. ^ Arthur Cotterell (ngày 31 tháng 8 năm 2011). China: A History. Random House. tr. 104–. ISBN 978-1-4464-8447-0.
  5. ^ A Consultant Report to The University Grants Committee of Hong Kong
  6. ^ 慵齋叢話 (용재총화)
  7. ^ “Lập Quốc Học viện và Giảng Võ đường”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2020.
  8. ^ Bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám góp phần vinh danh văn hiến Việt Nam
  9. ^ Những trường học ở Thăng Long xưa
  10. ^ Văn Miếu Quốc Tử Giám - Trang chủ
  11. ^ Sờ đầu rùa tại Văn Miếu
  12. ^ Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế - Trang chủ

Tài liệu

sửa
  • Ebrey, Patricia Buckley (1999). The Cambridge Illustrated History of China. Cambridge: Cambridge University Press.
  • Yuan, Zheng. "Local Government Schools in Sung China: A Reassessment", History of Education Quarterly (Volume 34, Number 2; Summer 1994) : 193–213.

Tư liệu

sửa
Quốc văn
Ngoại văn
  NODES
mac 1