Câu Tiễn

Là vua nước Việt (ngày nay là Thượng Hải, bắc Chiết Giang và nam Giang Tô) cuối thời kỳ Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, một trong Ngũ Bá
(Đổi hướng từ Việt Vương Câu Tiễn)

Câu Tiễn (chữ Hán: 越王勾踐; trị vì 496 TCN - 465 TCN) là vua nước Việt (ngày nay là Thượng Hải, bắc Chiết Giang và nam Giang Tô) cuối thời kỳ Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, một trong Ngũ Bá.

Câu Tiễn
勾踐
Vua chư hầu Trung Quốc
Một hình ảnh của Câu Tiễn.
Vua nước Việt
Tại vị496 TCN - 465 TCN
Tiền nhiệmDoãn Thường
Kế nhiệmLộc Dĩnh
Thông tin chung
Mất465 TCN
Trung Quốc
Tên thật
Tự Câu Tiễn (姒勾踐)
Thụy hiệu
Bá Vương
Tước vịViệt Vương (越王)
Hoàng tộcnước Việt
Thân phụDoãn Thường

Nguồn gốc

Theo Sử ký, Câu Tiễn là dòng dõi vua Thiếu Khang nhà Hạ,[1] tính Tự (姒), thị Việt, tên là Câu Tiễn (勾踐). Tổ tiên của ông là con thứ hai của Thiếu Khang,[1] em vua Hạ Trữ.

Câu Tiễn là con trai của Doãn Thường, cháu hai mươi đời của vua Thái Khang, dòng dõi vua Vũ nhà Hạ.

Vua bại trận

Năm 496 TCN, Doãn Thường qua đời, Câu Tiễn lên nối ngôi. Hay tin, vua Ngô Hạp Lư bèn đem quân đánh Việt. Câu Tiễn mang quân ra chống cự. Ông sai những kẻ sĩ quyết liều chết ra khiêu chiến. Họ dàn thành ba hàng, tiến đến trận tuyến quân Ngô, thét lên rồi tự đâm vào cổ. Quân Ngô đang mải nhìn thì Câu Tiễn thúc quân Việt thừa cơ đánh úp. Quân Việt đại thắng quân Ngô ở Tuy Lý, Hạp Lư suýt nữa thì mất mạng. Tướng quân của nước Việt là Linh Cô Phù lượm được chiếc giày Ngô Hạp Lư.

Quân Ngô thua to, bỏ chạy về nước. Hạp Lư bị trúng tên trước khi chết, dặn con là Phù Sai phải báo thù nước Việt. Sau đó Phù Sai lên ngôi vua.

Ba năm sau Câu Tiễn được tin Ngô Phù Sai ngày đêm luyện quân sĩ, sắp sửa đánh Việt để trả thù. Ông muốn mang quân ra đánh trước khi quân Ngô xuất trận. Phạm Lãi can nhưng Câu Tiễn không nghe, bèn cất quân. Vì xem thường lực lượng quân Ngô nên quân Việt đã thua to ở Phù Tiêu. Câu Tiễn bèn đem 5000 quân còn lại giữ và trốn tránh ở núi Cối Kê.[1].

Phù Sai đuổi đến, bao vây Cối Kê. Câu Tiễn hỏi kế Phạm Lãi. Phạm Lãi khuyên ông dùng lời lẽ khiêm nhượng, lấy lễ hậu để lấy lòng vua Ngô; nếu vua Ngô không chịu thì phải thân hành đến hầu hạ.

Câu Tiễn nghe theo, bèn sai đại phu Văn Chủng đến cầu hòa với Ngô. Phù Sai sắp ưng thuận thì Ngũ Tử Tư can không nên theo. Văn Chủng trở về báo với Câu Tiễn. Câu Tiễn muốn giết vợ con, đốt của cải châu báu, xông ra đánh để chịu chết. Văn Chủng ngăn Câu Tiễn nói:

Quan thái tể của Ngô tên là Bá Hi là người tham lam có thể dùng lợi để dụ dỗ. Xin nhà vua cho tôi lẻn đến để nói với ông ta.

Câu Tiễn đành phải xin đầu hàng, sai Chủng đem gái đẹp, của quý lẻn đến đưa cho Bá Hi. Bá Hi nhận rồi nói giúp với vua Ngô. Phù Sai nghe theo, cho nước Việt đầu hàng. Nước Việt không bị tiêu diệt nhưng Câu Tiễn bị bắt về nước Ngô. Sau đó ông phải chịu nhiều khổ nhục kể cả việc nếm phân của Phù Sai.[2]

Gian khổ chiến đấu chống quân Ngô

Sau 3 năm phục dịch và chịu nhục cùng với vợ ở nước Ngô, ông đã giành được sự tin tưởng của Phù Sai và được Ngô Vương cho quay về nước Việt. Ông đã tiếp tục cai trị và tiến hành cải cách lớn. Trong thời gian này, ông đã trọng dụng Văn ChủngPhạm Lãi là những nhà quân sư chính trị, quân sự tài ba để xây lại Việt Quốc. Câu Tiễn bên trong nuôi chí phục thù, nhưng ngoài mặt giả vờ tuân phục, hằng năm đều đặn triều cống. Việt Vương giao Phạm Lãi bí mật luyện tập quân đội, tích trữ quân lương. Cùng lúc, Phạm Lãi dùng mỹ nhân kế, đem Tây Thi (một trong Tứ đại Mỹ nhân Trung Hoa) dâng cho Ngô vương Phù Sai làm cho Phù Sai hoang dâm, xa xỉ, bỏ bê chính sự, giết hại trung thần Ngũ Tử Tư (một trong những trụ cột chính của đất nước). Trong thời gian này, các quan chức của Việt Vương cũng phá hoại nội bộ của Ngô Quốc bằng các thủ đoạn hối lộ và tung tin thị phi. Việt Vương Câu Tiễn đã kiên trì theo đuổi mục tiêu phục thù bằng cách tự đày đọa chính mình như kê gối bằng gỗ khi ngủ, ăn thức ăn của những người nghèo khó,… theo như câu thành ngữ Trung Hoa "nếm mật nằm gai" (, "ngọa tân thường đảm").

Sau 10 năm phục hưng kinh tế, quân sự và cải cách chính trị, Việt Quốc đã trở nên hùng mạnh. Câu Tiễn được sự tin tưởng của Phù Sai, không chú ý tới sự phục hồi của nước Việt mà mang quân lên trung nguyên giao tranh với nước Tề, nước Tấn.

Đầu năm 483 TCN, Phù Sai họp chư hầu ở Hoằng Trì, muốn tranh ngôi bá chủ của nước Tấn. Trong khi hội chư hầu chưa xong thì tháng 6 năm đó, Câu Tiễn mang quân đánh úp nước Ngô. Thế tử nước Ngô là Hữu ra cự bị quân Việt bắt sống và tự sát. Quân Việt tiến vào nước Ngô.

Phù Sai mang quân về nước. Quân Ngô theo Phù Sai đi đường xa mỏi mệt, bị quân Việt đánh bại. Phù Sai phải mang nhiều của cải sai sứ sang giảng hòa với nước Việt. Câu Tiễn cho giảng hòa.[3]

Năm 478 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh Ngô. Hai bên giáp trận ở Lập Trạch. Quân Ngô đại bại. Năm 476 TCN, Câu Tiễn lại tấn công đánh bại Ngô lần thứ ba. Năm 475 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh, vây nước Ngô. Đến tháng 11 năm 473 TCN, quân Việt đại phá quân Ngô. Ngô Phù Sai sau nhiều lần bại trận không còn khả năng kháng cự, xin quy phục như nước Việt trước đây. Câu Tiễn định chấp nhận nhưng Phạm Lãi can không nên. Vì vậy Phù Sai phải đâm cổ tự sát.[3]

Làm bá chư hầu

Cuối cùng Câu Tiễn đã tiêu diệt được Ngô Phù Sai, rửa được cái nhục ở Cối Kê. Phù Sai tự vẫn không đầu hàng, Câu Tiễn sai chôn Ngô vương tử tế và giết thái tể Bá Hi phản chủ.

Sau khi Câu Tiễn đã bình định được nước Ngô, bèn đem quân về hướng bắc, vượt sông Hoài cùng các nước chư hầu là Tề, Tấn, họp ở Từ Châu, nộp cống cho nhà Chu. Vua Nguyên Vương nhà Chu ban thịt đến Câu Tiễn, cho ông làm bá.

Sau khi đã vượt qua phía nam sông Hoài, Câu Tiễn bèn lấy đất trên sông Hoài cho nước Sở, trả cho nước Tống đất Ngô đã lấy của nước Tống, trả cho nước Lỗ dải đất một trăm dặm ở phía đông sông Tứ. Bấy giờ quân của Việt làm bá chủ ở phía đông sông Giang, sông Hoài. Chư hầu đều mừng gọi Câu Tiễn là bá vương.[1]

Giết công thần

Khi đại sự thành công, vì cái chết của Tây Thi đã giúp Phạm Lãi thấy được con người thật của Câu Tiễn. Ông cho rằng Câu Tiễn là người chỉ có thể chung hoạn nạn, không thể cùng hưởng yên vui.[1] Phạm Lãi bèn viết thư từ biệt Câu Tiễn:

Tôi nghe: "Vua lo thì tôi phải khó nhọc, vua nhục thì tôi phải chết"! Hồi xưa nhà vua chịu nhục ở Cối Kê, tôi sở dĩ chưa chết là vì còn phải trả thù. Nay đã rửa được nhục rồi, tôi xin chết theo tội ở Cối Kê!


Rồi bỏ đi ẩn dật. Trước khi đi, Phạm Lãi gửi thư về cho đại phu Văn Chủng nói:

Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ khôn đã chết thì chó săn bị nấu. Vua Việt là người cổ dài, miệng diều hâu có thể cùng lúc lo hoạn nạn, nhưng không thể cùng vui sướng với ông ta. Sao ông lại không bỏ đi?


Văn Chủng nhận được thư nhưng đã không tin. Câu Tiễn cầm theo kiếm đến gặp Văn Chủng và nói:[1]

"Nhà ngươi dạy quả nhân bảy thuật để đánh Ngô, quả nhân mới dùng có ba mà nước Ngô đã thua. Còn bốn thuật nữa ở nhà ngươi. Nhà ngươi hãy giúp ta dùng những thuật ấy với tiên vương xem sao".

Câu Tiễn ra về. Văn Chủng biết ý vua Việt muốn sát hại nên đã dùng gươm tự sát. Còn một thuyết là ông bị Câu Tiễn giết chết.[4]

Nhận định

Sử ký có lời nhận định về Câu Tiễn[1]:

Tuy Câu Tiễn là người nhẫn nhục giỏi và có tài trị quốc nhưng vì quá đa nghi nên đã sát hại nhiều trung thần và làm tổn hại đến nước Việt sau này.

Trong văn học

Điển tích "Nằm gai nếm mật"

Việt Vương Câu Tiễn sau khi từ nước Ngô trở về thường nằm ngủ trên gai, có treo cái mật, nằm ngồi đều nhìn thấy mật, ăn uống thì nếm vị đắng của nó trước, tỏ ý không quên mối nhục trước đó. Quả nhiên sau đó nhờ chịu đựng gian khổ Câu Tiễn đã đánh bại được nước Ngô, báo thù cho nước Việt.

"Nằm gai nếm mật" chỉ ý chí vượt qua gian khổ để đạt được mục đích.

Trong Đông Chu Liệt Quốc

Trong Đông Chu Liệt Quốc của Phùng Mộng Long Việt Vương Câu Tiễn xuất hiện từ hồi 79 đến hồi 83. Sự nghiệp của ông được mô tả khá sát với sử sách.

Trong phim ảnh

Cuộc chiến tranh giữa hai nước NgôViệt là nội dung chính của ba bộ phim truyền hình:

Xem thêm

Tham khảo

Chú thích

  1. ^ a b c d e f g Sử ký, Việt vương Câu Tiễn thế gia
  2. ^ Ngô Việt xuân thu quyển 7
  3. ^ a b Sử ký, Ngô Thái bá thế gia
  4. ^ Cuốn Tây Thi của Lợi Bảo, dịch giả Ông Văn Tùng, tr.681
  NODES