Caterina de' Medici

Vương hậu nước Pháp từ 1547-1559

Caterina de' Medici (phát âm [kateˈriːna de ˈmɛːditʃi]; (1519-04-13)13 tháng 4 năm 1519 – (1589-01-05)5 tháng 1 năm 1589), hoặc Catherine de Médicis theo tiếng Pháp, là một nữ quý tộc người Ý và trở thành Vương hậu nước Pháp từ năm 1547 đến năm 1559, với tư cách là vợ của Quốc vương Henri II của Pháp. Bà là mẹ của 3 vị Quốc vương liên tiếp kế vị nước Pháp: François II của Pháp; Charles IX của PhápHenri III của Pháp. Ngoài ra, bà còn là mẹ của Élisabeth của Pháp, Vương hậu Tây Ban Nha, vợ của Felipe II cùng vị Vương hậu nổi tiếng của Pháp, Marguerite của Pháp.

Caterina de' Medici
Vương hậu Pháp
Caterina của Medici, vẽ bởi François Clouet, khoảng năm 1555
Nhiếp chính nước Pháp
Tại vị10 tháng 7, năm 1559
- 5 tháng 1, năm 1589
(29 năm, 179 ngày)
Nhiếp chínhFrançois II của Pháp Vua Pháp từ 1559 đến 1560
Charles IX của Pháp Vua Pháp từ 1560 đến 1574
Henri III của Pháp Vua Pháp từ 1574 đến 1589
Vương hậu nước Pháp
Tại vị31 tháng 3, năm 1547
10 tháng 7, năm 1559
(12 năm, 101 ngày)
Đăng quang10 tháng 6, năm 1549
Tiền nhiệmLeonor của Castilla
Kế nhiệmMary I của Scotland
Công tước phu nhân xứ Bretagne
Tại vị10 tháng 8, năm 1536
- 31 tháng 3, năm 1547
Thông tin chung
Sinh13 tháng 4 năm 1519
Firenze, Ý
Mất5 tháng 1 năm 1589 (69 tuổi)
Lâu đài Blois, Pháp
An tángVương cung thánh đường Thánh Denis, Pháp
Phối ngẫuHenri II của Pháp Vua Pháp từ 1547 đến 1559
Hậu duệ
Tên đầy đủ
Caterina Maria Romula di Lorenzo de' Medici
Gia tộcNhà Medici (khi sinh)
Nhà Valois (kết hôn)
Thân phụLorenzo II de' Medici
Thân mẫuMadeleine de La Tour d'Auvergne
Tôn giáoCông giáo La Mã
Chữ kýChữ ký của Caterina de' Medici

Năm 1533, ở tuổi 14 Caterina kết hôn với Henri II, con trai thứ hai của Quốc vương nước Pháp François IVương hậu Claude, nhằm giúp phát triển quyền lợi của người bác của bà, Giáo hoàng Clêmentê VII. Năm 1547, Henri II đăng quang, với tên tiếng Pháp "Catherine de Médicis", Caterina trở thành Vương hậu Pháp. Tuy vậy, suốt thời gian trị vì, Henri II loại bỏ ảnh hưởng của Catherine và dành sự ưu ái cho Diane de Poitiers, tình nhân của nhà vua. Sau khi Henri II tử nạn năm 1559, Catherine đột ngột bị cuốn vào chính trường, trở thành nhiếp chính của tân vương mới 15 tuổi, François II. François II chết sau 1 năm trị vì, Catherine trở nên nhiếp chính đầy quyền lực cho con trai 10 tuổi của bà, Charles IX. Charles thăng hà năm 1574, Catherine lại tiếp tục là thế lực đáng kể khi con trai thứ ba của bà, Henri III, kế thừa ngôi quân chủ Pháp.

Catherine miệt mài nỗ lực bảo vệ ngai vàng, nhưng ba người con yếu đuối của bà gánh chịu nhiều thất bại khi họ trị vì nước Pháp trong một giai đoạn nhiễu nhương, đánh dấu bởi những cuộc nội chiến và Chiến tranh tôn giáo Pháp nối tiếp nhau bùng nổ. Lúc đầu, Catherine muốn thỏa hiệp với phong trào Huguenot bằng cách nhượng bộ họ có giới hạn; nhưng bà lại không chịu chấp nhận những nguyên tắc thần học căn cốt đối với người Huguenot, trong đó có quyền tự do thờ phụng dành cho mọi người. Trong tâm trạng hoang mang và giận dữ[1], Catherine từ bỏ lập trường hòa giải và phục hồi các biện pháp cứng rắn đối với những người bất đồng về niềm tin tôn giáo. Do đó, Catherine bị xem là người chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo của vương quyền, đặc biệt là vụ Thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy năm 1572 khi hàng ngàn người Huguenot bị tàn sát ở Paris và trên khắp nước Pháp.

Một số sử gia đương đại miêu tả Catherine theo hướng tích cực hơn, bỏ qua những hành động thái quá của bà, tuy các chứng cớ về những điều này có thể tìm thấy trong những lá thư bà đã viết[2]. Trong thực tế, thẩm quyền của bà bị hạn chế bởi các cuộc nội chiến, và trong nỗ lực tuyệt vọng, bà đã cố làm hết sức mình để kiểm soát một vương quốc đang đắm chìm vào bạo loạn. Vì vậy, Catherine theo đuổi những đối sách cực đoan hầu bảo vệ vương quyền của Nhà Valois bằng mọi giá. Bên cạnh đó, bà còn quan tâm đến việc bảo trợ các loại hình nghệ thuật trong nỗ lực tô điểm cho một vương triều đang thời suy vi[3]. Từ góc nhìn này, các sử gia hiện đại xem Catherine như là một nhà cai trị bị đặt vào một tình thế khó khăn buộc phải đối phó với những vấn nạn đặc thù hầu như không thể giải quyết nổi. Cũng có những tranh cãi liệu quyền cai trị của các con trai của Catherine có thể kéo dài lâu đến thế nếu không có sự bảo hộ của bà mẹ luôn kiên định với quyết tâm bảo vệ vương quyền của dòng họ.[4] Các sử gia đã gọi những năm trị vì của những vị quốc vương này là Thời đại của Catherine de Médicis (The age of Catherine de' Medici), kéo dài 30 năm[5]. Theo nhà sử học Mark Strage, Catherine là người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu vào thế kỉ 16.

Thiếu thời

sửa
 
Madeleine de la Tour d’Auverne, mẹ của Catherina de' Medici.

Theo một nhà sử học cùng thời, Catherina de' Medici có tên khai sinh là Caterina Maria Romula di Lorenzo de' Medici, sinh ra tại Firenze, Vương quốc Ý, vào thứ Tư ngày 15 tháng 4 năm 1519. Trong năm ấy, mẹ của Catherine là Madeleine de la Tour d’Auverne mất ngày 28 tháng 4 khi mới 17 tuổi; Lorenzo II de' Medici, Công tước xứ Urbino, cũng lìa đời ngày 4 tháng 5, có lẽ do mắc bệnh giang mai[6], để lại đứa con đầu lòng trở thành trẻ mồ côi. Đôi vợ chồng trẻ này mới kết hôn năm trước như là một phần trong kế hoạch liên minh giữa François I của PhápGiáo hoàng Lêô X, bác của Lorenzo de Medici, nhằm chống lại Maximilian I, Hoàng đế Thánh chế La Mã thuộc dòng họ Habsburg. Sau khi mất cả cha lẫn mẹ, cô bé mồ côi Catherine trở nên một món hàng đắt giá trong các cuộc môi giới hôn nhân, được đặt dưới quyền bảo hộ của Giáo hoàng Lêô, người đã từ chối lời đề nghị của François I khi muốn nhận giáo dưỡng Catherine trong triều đình nước Pháp.[6]

Không giống bố mẹ và cũng không giống các con của mình, Catherina có sức khỏe rất tốt và cuộc đời trường thọ. Giáo hoàng Lêô đem Catherina về Roma, với nhiều kế hoạch đầy tham vọng cho cô. Ông phong Catherina làm Nữ công tước xứ Urbino (duchessa d'Urbino), với dự định sắp xếp cho cô kết hôn với Ippolito de' Medici, con ngoại hôn của người anh trai Giuliano di Lorenzo de' Medici của ông, rồi phái hai người đến cai trị xứ Firenze.

 
Giáo hoàng Clêmentê VII, tranh của Sebastiano del Piombo, kh. 1531. Clêmentê gọi đính ước giữa Catherine và Henri là "môn đăng hộ đối nhất thế giới".[7]

Lúc đầu, Catherina sống dưới sự chăm sóc của bà nội, Alfonsina Orsini. Sau khi Orsini mất vào năm 1520, bà được đem về sống trong nhà của người cô, Clarissa Strozzi, lớn lên với con cái của bà. Catherina dành một tình yêu đặc biệt cho các con của Strozzi cho đến cuối đời.

Sau cái chết của Giáo hoàng Lêô năm 1521, quyền thừa kế của dòng họ Medici bị đe dọa nghiêm trọng, vì người kế nhiệm của Giáo hoàng Lêô, Giáo hoàng Ađrianô VI, là người ủng hộ dòng họ Habsburg. Giáo hoàng muốn hủy bỏ tước vị Công tước của Catherine, nhưng khi Hồng y Giulio de' Medici được chọn để trở thành Giáo hoàng Clêmentê VII năm 1523, ông đã phục hồi tước quyền cho dòng họ Medici. Giành quyền bảo hộ Catherine, Giáo hoàng Clêmentê đem Catherine đến sống trong lâu đài Medici (Palazzo Medici Riccardi) ở Firenze, nhấn mạnh rằng "nữ công tước bé nhỏ", theo như cách gọi của người dân Firenze,[8] cần được phục vụ theo nghi thức vương giả.

Mặc dù ảnh hưởng của Clêmentê ngày càng gia tăng, giai đoạn này không phải là dễ dàng cho dòng họ Medici tại Firenze: họ thường bị cô lập trong suốt một chuỗi các cuộc chiến xảy ra giữa nước PhápThánh chế La Mã. Hoàng đế tân cử của Thánh chế, Karl V, có lần đã bắt giữ và cầm tù cả Vua François lẫn Giáo hoàng Clemnent. Sau vụ cướp phá Roma năm 1527, dòng họ Medici bị phe Cộng hòa lật đổ tại Firenze, Clêmentê bị buộc phải tấn phong Karl làm Hoàng đế La Mã Thần thánh để nhận sự trợ giúp quân sự hầu chiếm lại thành phố[9]. Mặc dù Ippolito trốn thoát, nhưng Catherine bị bắt làm con tin và bị giải giao từ tu viện này đến tu viện khác[10]. Nhật ký của một nữ tu thuật lại rằng: "Bà quá dịu dàng và dễ mến đến nỗi các nữ tu làm mọi cách để xoa dịu nỗi buồn của bà".

Tháng 10 năm 1529, quân đội của Hoàng đế đến vây thành Firenze. Khi cuộc vây hãm kéo dài, nhiều người lên tiếng đòi đem Catherine ra xử tử trên vách thành hoặc bỏ vào nhà thổ. Khi binh lính đến đem Catherine vào tu viện Santa Lucia, cô chống cự, nhưng cuối cùng vẫn bị đặt trên lưng lừa dẫn độ trên đường phố, chịu sự sỉ vả và hăm dọa của đám đông đang giận dữ[11]. Mặc dù cố chống trả, nạn đói và dịch bệnh buộc thành phố phải chịu hàng phục ngày 12 tháng 8 năm 1530. Sau Hòa ước Barcelona, Clêmentê gọi Catherine về Roma và sắp đặt kế hoạch cho cô kết hôn.

Hôn nhân

sửa
 
Henri, Công tước xứ Orléans, tranh của Corneille de Lyon. Lúc thiếu thời, Henri trải qua hai năm làm con tin ở Tây Ban Nha, khiến ông trở thành người trầm lặng và ủ rũ.[12]

Catherine de' Medici không phải là một thiếu nữ có nhan sắc. Khi Catherine đến Roma, đại sứ thành Venezia miêu tả cô là: "người thấp bé và gầy, không có nét thanh tú lại mắt lồi, một đặc trưng của dòng họ Medici"[13].

Giáo hoàng Clêmentê nhắm đến một số chàng trai thích hợp với Catherine, trong đó có James V của Scotland, Henry, Bá tước xứ Richmond (con ngoại hôn của Henry VIII của Anh) và Francesco II, Công tước Milano. Nhưng đến đầu năm 1531, François I vua nước Pháp muốn cưới Catherine cho con trai thứ hai của ông, Henri, Công tước xứ Orléans, Giáo hoàng Clêmentê liền nhận lời[7]. Clêmentê hứa ban của hồi môn gồm có các thành Pisa, Parma, Piacenza, Reggio, ModenaLivorno, cũng như đồng ý ủng hộ kế hoạch của François chiếm đóng Genova, MilanoUrbino. Ông gọi cuộc hôn nhân này là "môn đăng hộ đối nhất thế giới".

Lớn hơn Catherine hai tuần tuổi, thời thơ ấu Henri xứ Orléans từng chịu những chấn thương tâm lý như người vợ tương lai của mình; cùng với anh trai, François, Henri trải qua gần bốn năm rưỡi trong thân phận con tin của Hoàng đế Karl V của Thánh chế La Mã và chịu nhiều ngược đãi. Năm 1531, hai vương tử nước Pháp được trao trả sau khi vua cha François I chịu nộp một số vàng, gần như cùng một lúc với thời điểm Catherine thoát khỏi cảnh giam cầm. Kinh nghiệm này đã ám ảnh Henri suốt đời, từ một thiếu niên sinh động trở thành một chàng trai khép kín luôn cảm thấy xa lạ với người cha và nuôi dưỡng cảm giác ghê tởm Tây Ban Nha cho đến cuối đời.

Hôn lễ diễn ra tại Marseille ngày 28 tháng 10 năm 1533[14], đây được coi là một sự kiện lớn. Dòng họ Medici dẫn đầu bởi Giáo hoàng Clêmentê, Công tước Alessandro, và Hồng y Ippolito, trong nghi thức huy hoàng không kém Quốc vương nước Pháp đến dự đại tiệc đầy tính khoa trương; tại đây hai bên trao đổi quà cưới. Đến Pháp trên một đội thuyền, cô dâu 14 tuổi, một kỵ sĩ tài năng, vào Marseille trên lưng một con ngựa phủ vải kim tuyến mạ vàng. Vương tử Henri khiêu vũ và cưỡi ngựa đấu thương chào đón Catherine, người ta nói rằng Catherine vui mừng gặp gỡ chú rể cao to, tráng kiện và yêu thích thể thao. Sau khi Henri và Catherine rời tiệc khiêu vũ lúc nửa đêm, tiệc cưới biến thành một buổi tụ họp thác loạn.

Vương tử phi

sửa
 
Diane de Poitiers, tình nhân của Henri II.

Trong năm đầu tiên của cuộc hôn phối, dù ít khi gặp mặt chồng, Catherine tạo lập mối quan hệ tốt với các mệnh phụ trong triều nhờ trí thông minh, tính thân thiện và thiện chí[15], Trong khi đó, Vua François lo chuẩn bị quân đội tái chiếm Urbino mà ông xem là tài sản của Catherine, tức là của con dâu ông. Tuy nhiên, thời kỳ trăng mật đột ngột chấm dứt vào ngày 25 tháng 9 năm 1534 khi Giáo hoàng Clêmentê VII từ trần. Giáo hoàng kế nhiệm thuộc dòng họ Farnese, Giáo hoàng Phaolô III, ông liền từ chối liên minh với Pháp. Điều đó khiến của hồi môn mà Clêmentê đã hứa, tức là tài sản chính trị của Catherine cũng tan thành mây khói cùng với những đặc quyền dành cho cô tại triều đình nước Pháp. Vua François đã phải than thở, "Ta có một cô con dâu sạch nhẵn của hồi môn"[16].

Hoàn cảnh của Catherine ngày càng tồi tệ. Năm 1535, Ippolito de’ Medici chết; đến năm 1537, sau vụ ám sát Công tước Alessandro de’ Medici, lãnh địa Firenze thuộc về Hoàng đế Karl V, được trao cho một người họ hàng xa của Catherine, Cosmo I de’ Medici, vốn là người mà bà khinh miệt. Tệ hơn nữa, Vương tử Henri chẳng hề quan tâm đến vợ. Trong suốt mười năm đầu của cuộc hôn nhân, Catherine không có con, mà đây là cơ hội duy nhất để bà có thể phục hồi đặc quyền cho mình. Trong khi đó, Henri công khai các mối quan hệ với những phụ nữ khác.

Năm 1537, một trong số tình nhân của Henri, Philippa Duci, sinh cho ông một con gái[17]. Sau khi Vương tử François, anh trai của Henri chết năm 1536, việc Catherine không thể sinh con trở nên một vấn đề nghiêm trọng cho vương tộc Valois[18]. Theo Brantôme, nhiều người khuyên Quốc vương và Thế tử phế bỏ Catherine, vì điều này là cần thiết cho việc kế thừa ngôi báu nước Pháp. Đại sứ thành Venezia thuật lại rằng: François và Henri đã có lần tính đến chuyện li dị với sự đồng ý của Catherine[19]. Nhưng cuối cùng, nhà vua cũng sống lâu đủ để nhìn thấy con dâu sinh một cháu trai ngày 20 tháng 1 năm 1544 và cậu bé được đặt theo tên ông, François. Công nương Catherine tiếp tục sinh cho Henri thêm chín người con, ba trong số họ chết khi còn nhỏ. Về sau, ba người trong số các con của Catherine lần lượt lên ngôi Quốc vương nước Pháp: François II (s. 19 tháng 1, 1544),Charles IX (s. 27 tháng 6, 1550) và Henri III (s. 19 tháng 9, 1551).

Tuy vậy, khả năng sinh con của Catherine cũng không đủ để níu kéo tình yêu của Henri. Năm 1538, khi ở tuổi 19, Henri bắt đầu những quan hệ tình cảm với một phụ nữ 38 tuổi, Diane de Poitiers, người mà ông yêu cho đến cuối đời[20]. Nhưng dù vậy, Henri vẫn tôn trọng Catherine như là người vợ chính thức của mình[21].

Năm 1547, Quốc vương François I thăng hà. Theo đó, Vương tử Henri kế vị trở thành Quốc vương nước Pháp, tức Henri II của Pháp. Công nương Catherine trở thành Vương hậu nước Pháp trong lễ đăng quang tại Nhà thờ lớn Saint-Denis năm 1549.

Vương hậu nước Pháp

sửa
 
Caterina de' Medici, Vương hậu nước Pháp.

Suốt trong những năm trị vì của chồng, Catherine sống lặng lẽ và thụ động nhưng chuyên tâm quan sát mọi diễn biến trong triều[22]. Trong những lúc Quốc vương vắng mặt, Catherine được trao quyền nhiếp chính nhưng không có mấy thực quyền[23]. Dù ghen tuông do mối quan hệ giữa nhà vua và Diane de Poitiers, Catherine không làm được gì vì không có thế lực[24]. Henri II rất chung tình với Diane de Poitiers và tin cậy bà tuyệt đối, chịu sự chi phối của bà trong 25 năm, và ban cho bà Lâu đài Chenonceau mà Catherine vẫn mong muốn. Suốt trong giai đoạn này, Diane kiểm soát mọi quyết định từ trong hậu trường[25].

Thời trị vì của Henri II chứng kiến sự trỗi dậy của anh em nhà Guise, Charles, trở thành Hồng y, và một người bạn từ thuở thiếu thời của Henri, François, trở thành Công tước nhà Guise[26]. Em gái của họ, Marie nhà Guise, năm 1538 kết hôn với James V của Scotland rồi là mẹ của Mary, Nữ vương Scotland. Mới 5 tuổi rưỡi, Mary được đưa về Pháp và được kết ước với Thế tử François, con trai đầu của Catherine và Henri II[27]. Catherine giáo dưỡng Mary cùng các con bà trong triều đình, trong khi Mary nhà Guise cai trị Scotland trong cương vị nhiếp chính cho con gái của mình[28].

Ngày 4 tháng 4 năm 1559, Henri II ký kết Hòa ước Cateau-Cambrésis với Thánh chế La MãVương quốc Anh, chấm dứt Cuộc chiến tranh Ý. Đây cũng là thời điểm cô con gái 13 tuổi của Catherine hứa hôn với Felipe II của Tây Ban Nha[29]. Hôn lễ ủy nhiệm[30] của họ được tổ chức tại Paris ngày 22 tháng 6 năm 1559 với lễ hội, khiêu vũ, ca vũ nhạc kịch, và năm ngày tranh tài môn cưỡi ngựa đấu thương.

Henri II tham gia môn cưỡi ngựa đấu thương trong màu áo trắng đen của Diane và đánh bại các công tước Nemours và Guise. Nhưng chàng trai trẻ Gabriel, Công tước Montgomery, đã đánh ông ngã ngựa. Henri II trở lại lưng ngựa để tiếp tục thi đấu, lần này cây thương của Montgomery bị gãy và đâm vào mặt nhà vua[31]. Catherine, Diane de Poitiers, và Vương tử François ngất xỉu. Henri II được đưa đến Lâu đài Tournelles để cứu chữa. Catherine túc trực bên cạnh, nhưng Diane de Poitiers không có mặt vì e sợ bị Vương hậu trục xuất như lời của một sử gia[32]. Trong mười ngày kế tiếp, tình trạng sức khỏe của Henri II diễn biến phức tạp. Có lúc Henri II đủ khỏe để đọc cho thư ký viết thư và nghe nhạc, nhưng dần dà nhà vua mất thị lực, không nói được, không còn tỉnh trí, và mất vào ngày 10 tháng 7 năm 1559. Từ đó, Catherine lấy cây thương gãy làm biểu tượng với hàng chữ "lacrymae hinc, hinc dolor" ("Vật này mang đến cho ta đau khổ và những dòng nước mắt"), và mặc trang phục đen để than khóc Henri II[33].

Nhiếp chính nước Pháp

sửa

Triều François II

sửa
 
Francois II của Pháp, tranh của François Clouet, 1560. Khi đăng quang, vương miện quá nặng đối với François nên bốn nhà quý tộc phải cố giữ nó khỏi rơi xuống khi tân vương bước lên ngai vàng.[34]

François II được tôn làm Quốc vương lúc 15 tuổi. Trong một chính biến được gọi là vụ đảo chính, Hồng y LorraineFrançois, Công tước Guise, cậu của Mary I của Scotland, nắm quyền sau khi Henri băng hà, và vội vã dọn đến Cung điện Louvre cùng với cặp vợ chồng trẻ[35]. Theo tường trình của đại sứ Anh vài ngày sau đó: "Nhà Guise cai trị và quyết định mọi sự cho vương quyền Pháp"[36]. Lúc đầu, Catherine bị buộc phải hợp tác với nhà Guise, bà cũng không có chức vị chính thức nào trong triều vì lúc ấy François đã đủ lớn khôn.[37] Tuy nhiên, trong mọi quyết định, nhà vua đều bắt đầu với câu: "Với sự hài lòng của Vương hậu, mẹ tôn kính của trẫm, và trẫm ủng hộ mọi quan điểm của người, trẫm ban chỉ…"[38] Không chút ngại ngần, Catherine tận dụng quyền lực của mình. Một trong những hành động đầu tiên của bà là ra lệnh Diane de Poitiers hoàn trả châu báu và Lâu đài Chenonceau cho triều đình[39]. Về sau, bà cố hết sức hủy bỏ hoặc thay đổi mọi công trình xây dựng Diane đã làm ở Chenonceau[39].

Anh em nhà Guise hăm hở tiến hành các cuộc bức hại nhắm vào người Kháng Cách, trong khi Catherine theo đuổi chính sách ôn hòa và phản đối nhà Guise, dù bà không hề có thiện cảm với người Huguenot (người Kháng Cách Pháp), cũng không hiểu biết gì về đức tin của họ. Người Kháng Cách quay sang tìm kiếm sự lãnh đạo của Quốc vương Navarra Antoine de Bourbon, rồi em trai của ông, Louis I nhà Bourbon, Vương công Condé, rồi Condé ủng hộ một cuộc binh biến nhằm lật đổ nhà Guise[40]. Song âm mưu bị lộ, nhà Guise dời triều đình đến Lâu đài Amboise kiên cố, xua quân đột kích vào khu rừng bao quanh lâu đài, giết nhiều quân nổi dậy kể cả viên chỉ huy La Renaudie[41]. Những người khác bị chết đuối trên sông hoặc bị treo cổ trước sự chứng kiến của Catherine và triều đình[42].

Tháng 6 năm 1560, Michel de l'Hôpital được bổ nhiệm làm Tể tướng. Ông tìm kiếm sự hậu thuẫn của các định chế hợp hiến của nước Pháp, và hợp tác chặt chẽ với Catherine trong nỗ lực bảo vệ luật pháp trước tình trạng nhiễu nhương đang tràn lan[43]. Thấy không cần phải trừng phạt phe Kháng Cách bởi vì họ thờ phụng trong nhà riêng và cũng không tìm cách vũ trang, ngày 20 tháng 8 năm 1560, Catherine và Tể tướng triệu tập hội nghị các nhà quý tộc tại Fontainebleau. Các sử gia xem sự kiện này như là một sự thể hiện tính cách của Catherine trong cương vị một chính khách. Trong khi đó, mùa thu năm 1560, Condé bắt đầu chiêu tập binh mã và tấn công các thị trấn ở miền nam. Catherine cho đòi Condé và ra lệnh bắt giam khi ông vừa về triều. Condé bị đem ra xét xử, kết tội chống lại triều đình, và bị án tử hình[44].

Khi Catherine biết François II sắp chết, bà mở cuộc thương thảo với Antoine de Bourbon, theo đó Nhà Bourbon khước từ quyền nhiếp chính đối với nhà vua sắp kế vị, Charles IX, đổi lại bà sẽ thả em trai của ông là Condé[45]. Nhờ đó, khi François II qua đời vào ngày 5 tháng 12 năm 1560, Hội đồng Cơ mật tôn Catherine làm Toàn quyền nước Pháp (Gouvernante de France), với rất nhiều quyền lực. Bà viết thư cho con gái Élisabeth: "Mục đích chính của mẹ là tôn vinh Thiên Chúa trong mọi sự, và bảo vệ quyền lực của mẹ, không phải cho mẹ, nhưng cho sự tồn tại của vương quốc, và cho sự tốt lành của tất cả anh em trai của con"[46].

Triều Charles IX

sửa
 
Charles IX của Pháp, của François Clouet, kh. 1565. Đại sứ Venezia Giovanni Michiel miêu tả Charles IX của Pháp là một người thanh tú, mắt sáng, dáng diệu thanh nhã, dù không cường tráng[47]

Lúc đầu Catherine luôn kề cận ông vua 9 tuổi này (Charles khóc nhè tại lễ đăng quang), và ngủ tại phòng của nhà vua. Bà chủ tọa Hội đồng Cơ mật thông qua việc quyết định các chính sách, kiểm soát triều chính và phân phối quyền lực. Tuy nhiên, vị thế của Catherine không đủ mạnh để kiểm soát toàn thể quốc gia lúc ấy đang bên bờ vực của cuộc nội chiến. Những nhà quý tộc, chứ không phải nhà vua, đang cai trị nhiều khu vực khác nhau thuộc nước Pháp. Những thách thức Catherine đang đối diện hết sức phức tạp, và trong một số khía cạnh, vượt quá sự hiểu biết của bà[48]. Catherine triệu tập những nhà lãnh đạo giáo hội từ hai phía nhằm giải quyết những bất đồng về giáo lý, nhưng ngày 13 tháng 10 năm 1561, Hội nghị Poissy kết thúc trong thất bại, và tự giải tán mà không cần ý kiến của bà[48] Catherine không thành công vì bà xem xét các vấn đề tôn giáo trên khía cạnh chính trị. Theo lời sử gia R. J. Knecht, "bà xem thường sức mạnh của xác tín tôn giáo, tưởng tượng rằng tất cả sẽ ổn thỏa nếu bà có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo đồng ý với nhau".[49].

Tháng 1 năm 1562, Catherine ban hành Chỉ dụ Saint-Germain trong nỗ lực hàn gắn với người Kháng Cách[50]. Tuy nhiên, ngày 1 tháng 3 năm 1562, bùng nổ sự kiện Thảm sát Vassy, khi Công tước Guise và người của ông tấn công những người Huguenot đang thờ phụng trong một nhà kho ở Vassy, giết 74 người và làm bị thương 104 người.[51] Guise, gọi cuộc thảm sát là "một tai nạn đáng tiếc", được người dân Paris tung hô như một anh hùng; trong khi người Huguenot kêu gọi trả đũa.[52] Vụ thảm sát đã khơi mào cuộc Chiến tranh tôn giáo. Trong ba mươi năm kế tiếp, nước Pháp tự mình chứng kiến những cuộc xung đột vũ trang và những lần đình chiến xen lẫn nhau.[53]

Trong vòng một tháng, Vương thân Louis de Condé và Đô đốc Gaspard de Coligny chiêu mộ một đạo quân 1.800 người. Họ liên minh với Vương quốc Anh và bắt đầu chiếm đóng các thị trấn trong nước Pháp[54]. Catherine đến gặp Coligny, nhưng ông từ chối triệt thoái quân, bà nói với Coligny: "Bởi vì ông dựa vào quân lực, tôi sẽ cho ông thấy lực lượng của tôi"[55]. Quân đội triều đình phản công và bao vây thành Rouen của người Huguenot. Người Công giáo chiếm Rouen, nhưng chiến thắng này không kéo dài. Ngày 18 tháng 2 năm 1563, một điệp viên bắn chết Công tước Guise khi ông đang vây thành Orléans. Cái chết của Guise đào sâu mối thâm thù trong vòng giới quý tộc Pháp, và khiến cuộc chiến trở nên phức tạp hơn[56]. Song, Catherine vui mừng khi thấy đồng minh của mình bị sát hại, bà nói với đại sứ Venezia: "Nếu Monsieur de Guise chết sớm hơn, hòa bình cũng đã đến sớm hơn"[57].

Ngày 19 tháng 3 năm 1563, Chỉ dụ Amboise kết thúc cuộc chiến.

Huguenot

sửa

Ngày 17 tháng 8 năm 1563, Charles IX của Pháp được tuyên bố đến tuổi trưởng thành tại Quốc hộiRouen, nhưng ông không bao giờ đủ sức cai trị đất nước và thêm vào đó, ông cũng không mấy quan tâm đến chính trị[58]. Catherine quyết định đẩy mạnh việc thực thi Chỉ dụ Amboise và phục hồi lòng trung thành của thần dân đối với vương quyền. Từ tháng 1 năm 1564 đến tháng 5 năm 1565, bà cùng nhà vua và triều đình vi hành khắp nước Pháp[59]. Tại MâconNerac, bà đã nói chuyện với Nữ vương người Kháng Cách Jeanne III của Navarra, cũng trong dịp này bà cũng hội kiến với con gái là Vương hậu Élisabeth của Tây Ban Nha tại Bayonne gần biên giới hai nước, trong không khí lễ hội cung đình xa hoa. Quốc vương Tây Ban Nha Felipe II tránh mặt nhưng cử Công tước Alba đến yêu cầu Catherine hủy bỏ Chỉ dụ Amboise và sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm giải quyết vấn đề dị giáo[60].

 
Juana III của Navarra, tranh của François Clouet, 1570. Bà viết cho con trai, Henri, năm 1572: "Tất cả những gì bà ấy [Catherine] làm là châm chọc mẹ, rồi sau đó thuật lại cho người khác những điều hoàn toàn trái ngược với những gì mẹ đã nói...".[61]

Ngày 27 tháng 9 năm 1567, xảy ra một cuộc binh biến khi lực lượng Huguenot phục kích nhà vua, khơi mào cho một cuộc nội chiến.[62] Bị bất ngờ, triều đình phải lánh khỏi Paris.[63] Tháng 3 năm 1568, cuộc chiến kết thúc với Hòa ước Longjumeau, nhưng vẫn còn bất ổn và máu tiếp tục đổ.[64] Từ đó, Catherine thay đổi thái độ đối với người Huguenot, bà từ bỏ chính sách thỏa hiệp, bắt đầu tính tới các biện pháp đàn áp.[65] Bà nói với đại sứ Venezia rằng người Huguenot cao ngạo, và quay sang ca tụng chính sách cai trị bằng khủng bố của Công tước Alba tại Hà Lan, giết hại hàng ngàn người theo Calvin ở đó.[66]

Người Huguenot rút vào thành La Rochelle kiên cố ở bờ biển phía Tây, Jeanne III của Navarra và cậu con trai mười lăm tuổi Henri gia nhập với họ.[67] "Chúng tôi đến đây," bà viết cho Catherine, "thà chết chứ không chịu bỏ Chúa và tôn giáo của chúng tôi."[68] Catherine gọi Jeanne, thái độ kiên quyết của Jeanne là mối đe dọa nguy hiểm cho vương quyền của nhà Valois, là "người đàn bà trân tráo nhất thế giới."[69] Tuy nhiên, Hòa ước Saint-Germain-en-Laye được ký kết ngày 8 tháng 8 năm 1570, do quân đội triều đình đã cạn kiệt tiền, phải dành cho phe Huguenot nhiều nhượng bộ chưa từng có trước đây.[70]

Catherine tìm cách phát triển quyền lợi của nhà Valois qua các cuộc hôn nhân hoàng tộc. Năm 1570, Charles IX kết hôn với Elisabeth của Áo, con gái của Maximilian II, Hoàng đế Thánh chế La Mã. Bà cũng có ý định kết hợp một trong hai em trai của Charles với Elizabeth I của Anh.[71] Sau khi con gái đầu Elizabeth chết khi còn nhỏ vào năm 1568, Catherine giới thiệu cô con gái út Marguerite với Felipe II của Tây Ban Nha. Cuối cùng, bà nhắm tới một cuộc hôn nhân giữa MargueriteEnnrique của Navarra, với mục tiêu kết hợp lợi ích của hai nhà Valois và Bourbon. Tuy nhiên, Marguerite đã có quan hệ lén lút với Henri xứ Guise, con trai của Công tước xứ Guise quá cố. Khi phát hiện điều này, Catherine lôi con gái ra khỏi giường và cùng với nhà vua đánh, xé áo ngủ, bứt tóc cô.[72]

Catherine ép Juana III của Navarra về triều, viết rằng bà muốn gặp con cái của Juana và hứa sẽ không hãm hại Juana. Khi gặp nhau, Catherine gây áp lực với Juana,[73] và lợi dụng những kỳ vọng Juana dành cho đứa con trai bà yêu quý. Cuối cùng, Jun đồng ý cuộc hôn nhân miễn là Henri được phép duy trì đức tin Kháng Cách. Khi Juana đến Paris để mua sắm trang phục cho hôn lễ, bà ngã bệnh và từ trần ở tuổi bốn mươi bốn. Về sau, có những tác giả Huguenot cáo buộc Caterina đã giết Juana bằng đôi găng tay tẩm độc dược.[74] Hôn lễ cử hành ngày 18 tháng 8 năm 1572 tại Nhà thờ Đức Bà Paris.

Thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy

sửa
 
Un matin devant la porte du Louvre, họa phẩm của Édouard Debat-Ponsan minh họa thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy. Catherine trong trang phục đen, đứng trước cổng cung điện Louvre nhìn thi thể các nạn nhân.

Ba ngày sau, khi Đô đốc Coligny đang bách bộ sau khi rời cung điện Louvre thì bị một đối tượng nhắm bắn từ một ngôi nhà khiến ông bị thương ở tay.[75] Người ta tìm thấy một khẩu hỏa mai còn đọng khói trên cửa sổ, nhưng thủ phạm đã qua cửa sau của tòa nhà tẩu thoát bằng ngựa.[76] Coligny được đưa đến Hôtel de Béthisy để chữa trị. Catherine, khi nghe tường thuật lại chuyện thì tỏ ra lạnh lùng, nhưng đã có một cuộc viếng thăm đầy nước mắt với lời hứa sẽ trừng phạt thủ phạm. Nhiều sử gia tin rằng Catherine là người chủ mưu tấn công Coligny. Những người khác nghi ngờ nhà Guise, hoặc một âm mưu của Tây Ban Nha và Giáo hoàng nhằm chấm dứt ảnh hưởng của Coligny đến nhà vua.[77] Dù sự thật ra sao, thì cuộc tắm máu xảy ra sau đó đã vượt tầm kiểm soát của Catherine hay bất cứ nhà lãnh đạo nào khác.[78]

Vụ thảm sát Ngày lễ Thánh Barthélemy, bắt đầu hai ngày sau đó, đã làm hoen ố thanh danh của Catherine.[31] Không có lý do gì để tin rằng Catherine không tham gia vào quyết định ngày 23 tháng 8 khi Charles IX ra lệnh, "Giết hết chúng đi! Giết hết chúng đi!"[79] Catherine và các cố vấn đang chờ đợi một cuộc nổi dậy của người Huguenot trả thù vụ tấn công nhắm vào Coligny. Họ quyết định ra tay trước nhằm tiêu diệt giới lãnh đạo Huguenot khi những người này còn ở lại Paris sau khi dự hôn lễ.[80]

Cuộc tàn sát kéo dài ở Paris gần một tuần, lan ra đến nhiều nơi trên nước Pháp, tiếp tục cho đến mùa thu. Theo sử gia Jules Michelet, "St Barthélemy không phải một ngày, mà là một mùa."[81] Vụ thảm sát làm hài lòng người Công giáo Rôma ở châu Âu và Catherine sung sướng nhận công trạng[82]. Ngày 19 tháng 9, khi chứng kiến Henri Navarre quỳ trước bàn thờ, chấp nhận cải đạo để cứu mạng, Catherine quay sang các đại sứ và cười vang.[83] Đây là thời điểm hình thành biệt danh Huyền thoại đen về Vương hậu người Ý tàn ác. Thời ấy xuất hiện những bài tiểu luận được phổ biến rộng rãi, xem bà như là biểu trưng cho hình mẫu nhà cai trị được miêu tả trong tác phẩm Quân vương (Il Principe) của Niccolò Machiavelli, theo đó nhà cai trị có thể sử dụng các thủ đoạn chính trị, ngay cả các phương tiện bất chính như đầu độc hoặc pháp thuật để thỏa mãn những tham vọng quyền lực, và diệt gọn tận gốc kẻ thù chỉ với một cú đánh.[84]

CÁI CHẾT CỦA CHARLES IX

Bà được cho rằng đã vô tình đầu độc chính con trai mình bằng cuốn sách tẩm độc do em ông là Quận công Alencon đưa cho Henri nhưng vô tình vua Charles IX đã có cuốn sách săn chim ưng đó(vốn nhà vua là người thích đi săn), khi cố giết chết Henri de Navarra. Ngoài ra bà còn được cho rằng đã đầu độc bà thông gia là Jeanne III xứ Navarra, mẹ của Henri IV bằng găng tay tẩm độc...Charles trẻ tuổi phải chết, ông chọn sự im lặng để bảo toàn danh dự hoàng gia và danh dự của nước Pháp. Khi hấp hối, ông trao quyền Nhiếp chính cho người ông coi là anh em duy nhất là vua xứ Navarra, Henri de Bourbon, để tránh quyền lực rơi vào tay người đàn bà thâm hiểm là mẹ mình. Nhưng bà đã kịp đưa con trai cưng của mình là Henri de Anjou khi đó là vua Ba Lan về kịp để lên ngôi Henri III của Pháp.[85]

Triều Henri III

sửa
 
Henri, Công tước Anjou, tranh của Jean Decourt, kh. 1573. Khi làm vua nước Pháp, Henri III chuyên tâm cho nghĩa vụ tôn giáo hơn là cầm quyền.

Hai năm sau, Catherine đối diện với một cuộc khủng hoảng mới khi Charles IX băng hà ở tuổi hai mươi ba. Lời nói sau cùng của nhà vua là: "Ôi, mẹ của con…".[86] Một ngày trước đó, Charles phong Catherine làm nhiếp chính, vì em trai cũng là người kế vị nhà vua, Công tước Anjou, đang ở Ba Lan. Vào năm trước đó, Anjou được bầu làm vua Ba Lan. Catherine viết cho Henri: "Mẹ cực kỳ đau buồn khi chứng kiến một cảnh tượng như thế, và tình yêu anh trai con dành cho mẹ... Niềm an ủi duy nhất cho mẹ là sớm gặp lại con khỏe mạnh, vương quốc đang cần con, còn nếu như phải mất con, thì mẹ thà cùng chết với con."[87]

Henri là con trai yêu của Catherine. Không giống các anh của mình, Henri lên ngai khi đã là người trưởng thành. Ông cũng có sức khỏe tốt hơn, dù bị yếu phổi và thường ngất xỉu.[88] Tuy nhiên, sự quan tâm của nhà vua đối với việc triều chính là thất thường, ông thường phụ thuộc vào Catherine và nhóm thư ký cho đến vài tuần lễ trước khi Catherine từ trần. Nhà vua thường tránh né chính sự, vùi mình trong các phận sự tôn giáo như hành hương và hành xác.[89]

Tháng 1 năm 1575, hai ngày sau lễ đăng quang, Henri III kết hôn với Louise de Lorraine-Vaudémont. Sự chọn lựa của nhà vua đã phá hỏng kế hoạch của Catherine nhắm vào một cuộc hôn nhân với một công chúa nước ngoài. Có nhiều lời đồn đoán rằng nhà vua không thể có con. Khi niềm hi vọng về người nối dõi cho Henri tàn lụi dần thì con trai út của Catherine, François, Công tước Alençon, thường được gọi là "Monsieur", bắt đầu hành động trong cương vị là người thừa kế ngôi báu bằng cách lợi dụng tình trạng loạn lạc của các cuộc xung đột nội bộ, khi ấy không còn là chuyện bất đồng tôn giáo mà đã trở thành những tranh chấp quyền lực.[90] Catherine làm mọi cách để đem François trở lại dưới ảnh hưởng của bà. Một lần vào tháng 3 năm 1578, trong suốt sáu tiếng đồng hồ, Catherine đã cố giảng giải cho con trai biết sự nguy hiểm của lối sống phản kháng của cậu.[91]

Năm 1576, trong một động thái gây nguy hiểm cho quyền lực của Henri, François liên minh với các hoàng thân Kháng Cách chống lại vương quyền.[92] Ngày 6 tháng 5 năm 1576, với Chỉ dụ Beaulieu, Catherine nhượng bộ hầu hết các yêu cầu của phe Huguenot. Đây là một hiệp ước gọi là "Hòa ước của Monsieur", bởi vì người ta tin rằng chính François là người đã buộc hoàng gia ký kết.[93] Tháng 6 năm 1584 François chết vì lao phổi sau một cuộc can thiệp bị xem như là một thảm họa vào Hà Lan, ở đó đạo quân của François bị tàn sát.[94] Hôm sau, Catherine viết: "Thật bất hạnh cho tôi sống đủ lâu để chứng kiến quá nhiều người thân yêu chết trước mình, dù biết rằng phải tuân phục ý Chúa, rằng mọi điều thuộc về Ngài, rằng con cái của chúng ta là do Ngài cho chúng ta mượn bao lâu Ngài thích."[95] Cái chết của người con trai út là tai ương cho giấc mơ vương quyền của Catherine. Chiếu theo Luật Salic, chỉ có người thừa kế nam giới mới được tôn làm vua. Như thế, Henri Navarre, một nhà lãnh đạo phe Kháng Cách, nay trở thành nhân vật số một trong thứ tự kế vị ngai vàng nước Pháp.[31]

 
Con trai út của Catherine, François, Công tước Alençon, tranh của Nicholas Hilliard, kh. 1577.

Dù Catherine đã có những tính toán dự phòng trong chuyện hôn nhân con gái út Marguerite của bà với Navarra, Marguerite là cái gai nhọn gây nhức nhối cho Catherine chẳng kém gì François. Năm 1582, Marguerite trở về hoàng cung Pháp mà không có chồng đi cùng. Người ta nghe Catherine lớn tiếng la mắng con gái vì cô có nhiều tình nhân.[96] Catherine sai Pomponne de Bellièvre đến gặp Navarre để điều đình về việc Marguerite trở về. Nhưng năm 1585 cô lại bỏ về sống ở Agen và xin tiền mẹ. Catherine cho cô tiền chỉ đủ để "dọn thức ăn trên bàn."[97] Đến sống ở Carlat, Marguerite có nhân tình mới tên d’Aubiac. Catherine yêu cầu Henri hành động trước khi Marguerite bôi nhọ thanh danh bà và Henri. Tháng 10 năm 1586, Henri cầm giữ Marguerite trong lâu đài Usson và hành quyết d’Aubac.[98] Catherine gạch tên Marguerite khỏi di chúc và không chịu gặp mặt cô.

Catherine không thể kiểm soát Henri theo cách bà đã làm với François và Charles.[99] Vai trò của bà trong triều đình là người điều hành chính và là một nhà ngoại giao lưu động. Bà đi khắp vương quốc để củng cố quyền lực nhà vua và cố kiềm giữ để khỏi bùng nổ chiến tranh.

Năm 1578, Catherine nhận nhiệm vụ bình định miền Nam. Ở tuổi 55, bà bắt đầu một chuyến vi hành khắp miền Nam nước Pháp gặp những nhà lãnh đạo Huguenot. Nỗ lực của bà giành được sự ngưỡng mộ của người dân Pháp.[100] Khi trở về Paris năm 1579, bà được Quốc hội và đám đông dân chúng chào đón bên ngoài cổng thành. Đại sứ Venezia, Gerolamo Lipomano, viết về bà: "Bà là một bà hoàng không hề biết mệt mỏi, sinh ra để thuần hóa và cai trị một dân tộc bất kham như dân Pháp: nay họ đã chịu thừa nhận công trạng của bà, mối quan tâm của bà về công cuộc thống nhất đất nước, và hối tiếc vì đã không tôn trọng bà sớm hơn."[101] Tuy nhiên, bà không hề sống trong ảo tưởng. Ngày 25 tháng 11 năm 1579, bà viết cho nhà vua: "Con đang đứng bên bờ vực thẳm của một cuộc nổi dậy lớn. Bất cứ ai nói khác đi đều là kẻ nói dối."[102]

Liên minh Công giáo

sửa
 
Henri, Công tước Guise, tranh của Pierre Dumoûtier.

Nhiều nhà lãnh đạo Công giáo tỏ ra quan ngại về những nỗ lực của Catherine tìm cách xoa dịu người Huguenot. Sau khi Chiếu chỉ Bealieu được ban hành, người Huguenot bắt đầu thành lập các liên minh để bảo vệ tôn giáo của mình.[103] Năm 1584, cái chết của người kế vị ngôi vua đã thúc đẩy Công tước Guise nắm quyền lãnh đạo Liên minh Công giáo. Ông lập kế hoạch ngăn cản việc Henri Navarre lên ngôi, và đưa chú của Henri, Hồng y Charles de Bourbon lên trị vì. Ông thuyết phục các hoàng thân Công giáo, giới quý tộc Công giáo và các tăng lữ cao cấp ký Hiệp ước Joinville với Tây Ban Nha, đồng thời chuẩn bị chiến tranh với "bọn dị giáo".[104] Năm 1585, Henri III không còn chọn lựa nào khác mà phải đối đầu với Liên minh,[105] như Catherine miêu tả, "hòa bình đang như chỉ mành treo chuông" (bâton porte paix).[106] "Hãy cẩn thận," bà viết cho nhà vua, "và hết sức bảo trọng. Có quá nhiều tráo trở và lừa lọc ở đây đến nỗi mẹ có thể chết vì sợ hãi."[107]

Henri không thể đối đầu với cả hai phe Công giáo và Kháng Cách cùng một lúc, bởi vì mỗi phe đều có các đạo quân hùng mạnh hơn quân đội triều đình. Khi ký Hiệp ước Nemours ngày 7 tháng 7 năm 1585, nhà vua bị buộc phải nhượng bộ tất cả yêu cầu của Liên minh Công giáo kể cả việc triều đình phải trả lương cho quân binh của Liên minh.[107] Nhà vua tìm chỗ ẩn mình để kiêng ăn và cầu nguyện, luôn có một đội ngự lâm quân gọi là "Đội bốn mươi lăm" vây quanh, phó thác cho Catherine nhiệm vụ giải quyết mọi rắc rối.[108] Triều đình mất quyền kiểm soát xứ sở, và cũng không đủ sức hỗ trợ nước Anh đương cự với cuộc tấn công của Tây Ban Nha. Đại sứ Tây Ban Nha tường trình với Felipe II rằng vết ung nhọt sắp sửa bung vỡ.[109]

Đến năm 1587, cuộc phản công của Giáo hội Công giáo Rôma nhắm vào người Kháng Cách trở thành một chiến dịch có quy mô toàn châu Âu. Việc ngày 18 tháng 2 năm 1587, Nữ vương Elizabeth I của Anh cho xử tử Mary, Nữ vương Scotland đã khiến thế giới Công giáo tức giận.[110] Felipe II của Tây Ban Nha chuẩn bị xâm chiếm nước Anh. Liên minh Công giáo đang kiểm soát phần lớn miền Bắc nước Pháp đảm bảo cho Armada, hạm đội lừng lẫy của Tây Ban Nha, sử dụng các hải cảng để mở cuộc tấn công nhắm vào nước Anh.

Cuối đời

sửa
 
Catherine de' Medici, tranh của François Clouet, khoảng sau năm 1559, trong trang phục góa phụ.[111]

Tuy Henri thuê mướn lính Thụy Sĩ bảo vệ Paris, song người dân Paris giành quyền tự bảo vệ thành phố. Ngày 12 tháng 5 năm 1588, họ dựng các chướng ngại vật trên đường phố, từ chối nhận mệnh lệnh từ bất kỳ ai ngoại trừ Công tước Guise.[112] Khi Catherine cố tiếp xúc với dân chúng, bà bị ngăn lại dù trước đó được phép đi qua các chướng ngại vật. Sử gia L’Estoile thuật lại rằng Catherine khóc suốt bữa ăn trưa hôm ấy. Bà viết cho Bellièvre: "Chưa bao giờ tôi thấy mình bị lâm vào tình huống như thế này, có quá nhiều khó khăn mà quá ít hy vọng tìm ra lối thoát." [113] Như thường lệ, bà khuyên nhà vua, lúc ấy đã lánh khỏi thành phố, tìm cách thỏa hiệp và cố sống mà chờ đợi cơ hội.[114] Ngày 15 tháng 6 năm 1588, Henri ký Đạo luật Thống nhất, nhượng bộ luôn cho Liên minh những đòi hỏi sau cùng.

Ngày 8 tháng 9 năm 1588, tại Blois, khi triều đình chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội, Henri sa thải tất cả bộ trưởng mà không báo trước. Catherine nằm trên giường bệnh đã không biết gì.[115] Hành động này của nhà vua trở thành sự kiện kết thúc thời kỳ lâu dài của Catherine ảnh hưởng trên triều chính nước Pháp.

Tại kỳ họp của Quốc hội, Henri cảm ơn Catherine về mọi điều bà đã làm. Henri xưng tụng Catherine không chỉ là mẹ của nhà vua, mà còn là mẹ của nhà nước.[116] Henri không tỏ cho Catherine biết những gì ông định làm. Ngày 23 tháng 12 năm 1588, nhà vua cho đòi Công tước Guise đến Lâu đài Blois. Khi Guise bước vào phòng nhà vua, đội ngự lâm quân Bốn mươi lăm tấn công và đâm ông. Guise ngã chết bên chân giường nhà vua. Cùng lúc ấy tám thành viên nhà Guise bị cầm giữ, trong đó có em trai của Công tước Guise, Hồng y Guise, bị lính của nhà vua chém chết trong ngục tối của lâu đài.[117] Ngay sau khi giết Guise, Henri vào phòng ngủ của Catherine ngay tầng dưới và nói với bà: "Xin thứ lỗi cho con. Monsieur de Guise đã chết. Ông ấy không thể nói gì nữa. Con vừa giết ông ấy. Con đã làm được điều mà ông ấy sắp làm với con."[118] Không ai biết phản ứng của Catherine vào lúc ấy, nhưng đến ngày Lễ Giáng sinh, bà nói với một tu sĩ: "Ôi, con người khốn khổ ấy! Ông ấy đã làm gì?....Hãy cầu nguyện cho ông ấy… Tôi thấy ông ấy đang lao đầu vào chỗ tàn diệt của mình."[119] Ngày 1 tháng 1 năm 1589, Catherine đến thăm người bạn cũ, Hồng y Bourbon, báo cho biết ông sẽ được tự do. Bourbon hét vào mặt Catherine: "Thưa bà, do lời của bà mà tất cả chúng tôi bị dẫn vào lò sát sinh này."[119] Catherine đi về trong nước mắt.

Ngày 5 tháng 1 năm 1589, Catherine từ trần ở tuổi 69, có lẽ do mắc bệnh viêm màng phổi. L’Estoile viết: "Những ai gần gũi với bà đều biết rằng cuộc đời của bà bị rút ngắn lại là do những phiền muộn các con trai bà gây ra",[120] và thêm rằng chẳng bao lâu sau khi mất, bà bị đối xử chẳng khác gì một con dê chết. Bởi vì Paris đang ở trong tay những người chống triều đình, người ta phải chôn bà ở Blois. Về sau, Diane, con gái của Henri II và Philippa Duci, dời di cốt bà về nhà thờ lớn Saint-Denis. Thời kỳ Cách mạng Pháp, năm 1793, một đám đông vung vãi hài cốt Catherine vào một ngôi mộ tập thể cùng với hài cốt của các Quốc vương và Vương hậu khác.[121] Bảy tháng sau khi Catherine được chôn cất, Henri III mất mạng trong tay một tu sĩ tên Jacques Clément. Lúc ấy Henri III cùng với Henri Navarre đang vây hãm thành Paris. Henri Navarre lên kế vị, sáng lập triều đại Bourbon đồng thời chấm dứt gần ba thế kỷ trị vì của Nhà Valois.

Người ta thuật lại rằng về sau Henri IV đã nhận xét về Catherine:

Bảo trợ nghệ thuật

sửa
 
Triumph of Winter, tranh của Antoine Caron, kh. 1568

Catherine tin rằng lý tưởng của một quân vương theo học thuật Phục Hưng là cần biết rằng thẩm quyền của mình không chỉ dựa trên quân đội mà còn trên văn chương và nghệ thuật.[123] Bà chịu ảnh hưởng từ hình mẫu nhạc phụ, François I của Pháp, và các tổ phụ của bà. Trong thời kỳ loạn lạc và khi uy tín vương quyền đang sút giảm trầm trọng trong dân chúng, Catherine tìm cách củng cố đặc quyền của vương triều qua các cuộc phô diễn văn hóa tốn kém. Có lần bà cho khởi động một chương trình bảo trợ nghệ thuật kéo dài suốt ba thập niên. Trong thời gian này, bà chủ trì một chương trình phát triển văn hóa Pháp–Phục Hưng trong tất cả loại hình nghệ thuật.[124]

Một bản kiểm kê tại Hôtel de la Reine sau khi Catherine mất cho thấy bà là người đam mê sưu tầm. Trong danh sách kiểm kê có thảm thêu, bản đồ vẽ bằng tay, tác phẩm điêu khắc, vải quý, nội thất bằng gỗ mun khảm ngà, những bộ đồ sứ và đồ gốm Limoges.[125] Ngoài ra còn có hàng trăm bức chân dung lúc ấy đang là thời thượng. Nhiều tranh chân dung trong bộ sưu tập của Catherine là tác phẩm của họa sĩ Jean Clouet và con trai ông François Clouet. François Clouet là họa sĩ phác thảo và vẽ chân dung tất cả thành viên gia đình Catherine và nhiều người trong triều.[126]

Ngoại trừ nghệ thuật vẽ chân dung, người ta không biết gì nhiều về nền hội họa trong triều Catherine de' Medici.[127] Trong hai mươi năm cuối đời Catherine, chỉ có tên tuổi nổi bật trong hội họa: Jean Cousin Trẻ, và Antoine Caron, Caron là họa sĩ chính thức của Catherine. Những tác phẩm sinh động theo trường phái nghệ thuật kiểu cách của Caron, với sự mê đắm dành cho nghi lễ và nỗi ám ảnh về các cuộc thảm sát, thể hiện được bầu không khí căng thẳng của triều đình Pháp trong thời kỳ loạn lạc của cuộc chiến tranh tôn giáo.[128]

Nhiều tác phẩm của Caron, chẳng hạn như Triumph of the Seasons, theo chủ đề phúng dụ thể hiện không khí lễ hội rất nổi tiếng của triều đình Catherine. Chúng miêu tả những sự kiện tổ chức ở Fontainebleau năm 1564 và Bayonne năm 1565 cho các cuộc họp thượng đỉnh với triều đình Tây Ban Nha; rồi tại Tuileries năm 1573 cho chuyến viếng thăm của các đại sứ Ba Lan, những người đã dâng vương miện Ba Lan cho Henri Anjou, con trai Catherine.[127] Người viết tiểu sử Leonie Frieda nhận xét rằng: "Hơn ai hết, Catherine là người khởi xướng các loại hình vui chơi giải trí kỳ thú sau này đã làm nổi tiếng các vua chúa Pháp".[129]

 
Cung điện Tuileries, công trình Catherine cho xây dựng sau khi Henri II mất.

Các buổi trình diễn âm nhạc là nơi cho phép Catherine phô diễn khả năng sáng tạo của mình. Thường chúng được tổ chức để ca ngợi sự thái bình của đất nước, và thường dựa trên những chủ đề thần thoại. Catherine sử dụng các họa sĩ, kiến trúc sư hàng đầu để dựng kịch, âm nhạc, và hiệu ứng sân khấu phục vụ các sự kiện này. Sử gia Frances Yates gọi bà là "nghệ sĩ vĩ đại đầy sáng tạo cho các lễ hội".[130]

Caterina de' Medici rất yêu thích nghệ thuật kiến trúc. "Như là một đứa con của dòng họ Medici," theo cách nói của sử gia nghệ thuật Pháp Jean-Pierre Babelon, "bà bị thôi thúc bởi niềm đam mê xây dựng, và nỗi khao khát để lại cho hậu thế những công trình vĩ đại."[131] Sau khi Henri II băng hà, Caterina quyết tâm biến những kỷ niệm về chồng mình trở thành bất tử, và phô diễn sự vĩ đại của nhà Valois bằng một chuỗi những đề án kiến trúc đắt tiền,[131] trong đó có lâu đài ở Montceaux-en-Brie, Saint-Maur-des-FossésChenonceau. Caterina cho xây dựng hai cung điện mới ở Paris: TuileriesHôtel de la Reine. Bà bám sát việc quy hoạch và giám sát các đề án kiến trúc của mình.[132]

Những biểu trưng về tình yêu và nỗi sầu khổ của Caterina được thể hiện trên các công trình điêu khắc đá tại các tòa nhà bà xây dựng.[133] Các thi sĩ tán tụng bà như là một Artemisia mới, theo hình tượng Artemisia II của Caria (350 TCN) đã xây lăng mộ tại Halicarnassus cho người chồng quá cố.[134] Phần mộ của Henri tại nhà thờ lớn Saint-Denis do Francesco Primaticcio (1504-1570) và Germain Pilon (1528-1570) điêu khắc. Sử gia nghệ thuật Henri Zerner gọi đài kỷ niệm này là "ngôi mộ hoàng gia cuối cùng tráng lệ nhất của thời kỳ Phục hưng."[135]

Mặc dù Caterina đã làm khánh kiệt ngân sách vì chi tiêu những số tiền khổng lồ cho nghệ thuật,[136] hầu hết các công trình nghệ thuật bà bảo trợ đều là những di sản bền vững.[137] Triều đại Valois sụp đổ quá nhanh sau khi Caterina từ trần đã làm thay đổi thứ tự các ưu tiên. Những bộ sưu tập nghệ thuật bị phân tán, các lâu đài bị bán, các tòa nhà đang xây dựng bị bỏ dở hoặc bị phá bỏ.

Hậu duệ

sửa

Caterina de' Medici kết hôn với Henri, Công tước xứ Orléans, sau là Henri II của Pháp tại Marseille ngày 28 tháng 10 năm 1533. Bà sinh mười người con trong đó bảy người sống đến tuổi trưởng thành. Ba con trai đầu của bà đều trị vì nước Pháp; hai con gái trở thành Vương hậu và người con gái khác kết hôn với một công tước. Ngoại trừ Henri III chết sau bà 7 tháng và Marguerite, người thừa kế tài sản khổng lồ của bà, Caterina sống đủ lâu để chứng kiến sự ra đi lần lượt của những đứa con còn lại.


Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 272.
  2. ^ Knecht, 272. For a summary of the fluctuations in Catherine's historical reputation, see the preface to R. J. Knecht's Catherine de' Medici, 1998: xi–xiv.
  3. ^ Sutherland, Ancien Régime, 20.; Frieda, 454–55.
  4. ^ Sutherland, Ancien Régime, 26.
  5. ^ Thomson, 97; Sutherland, Ancien Régime, 3; Neale, The Age of Catherine de Medici.
  6. ^ a b Knecht, Catherine de' Medici, 8.
  7. ^ a b Frieda, 35.
  8. ^ Frieda, 23–24.
  9. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 10–11.
  10. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 11.
  11. ^ Frieda, 29–30.
  12. ^ Frieda, 45.
  13. ^ Frieda, 31; Knecht, Catherine de' Medici, 14.
  14. ^ Frieda, 52. The contract was signed on the 27th and the religious ceremony took place the next day.
  15. ^ Frieda, 54.
  16. ^ "J'ai reçu la fille toute nue." Frieda, 54.
  17. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 29–30. Henry legitimised the child under the name Diane de France; he also produced at least two sons by other women.
  18. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 29.
  19. ^ Knecht, 29.
  20. ^ Frieda, 60, 95; Heritier, 38–42.
  21. ^ Frieda, 114, 132.
  22. ^ Morris, 247; Frieda, 80.
  23. ^ Frieda, 118; Knecht, Catherine de' Medici, 42–43.
  24. ^ “Cultural Tourism in Loire”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 7 tháng 7 năm 2008.
  25. ^ Frieda, 80–86.
  26. ^ Frieda, 84.
  27. ^ Guy, 46.
  28. ^ Guy, 41.
  29. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 55.
  30. ^ Hôn lễ ủy nhiệm (Proxy Wedding): Hôn lễ được tổ chức mà không có mặt cô dâu hoặc chú rể - Trước đó, Elisabeth đã hứa hôn với con trai của Felipe II, Don Carlos; nhưng do những diễn biến phức tạp trong tình hình chính trị đương thời, người ta sắp đặt hôn nhân cho cô với ông bố. Chú rể (32 tuổi) được thuật lại rất yêu quý cô vợ trẻ (14 tuổi).NationMaster.com Lưu trữ 2008-08-30 tại Wayback Machine
  31. ^ a b c Pettegree, 154.
  32. ^ Frieda, 6.
  33. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 56–58; Frieda, 146.
  34. ^ Guy, 102–3.
  35. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 59; Frieda, 140.
  36. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 60.
  37. ^ Morris, 248.
  38. ^ Frieda, 146.
  39. ^ a b Frieda, 144.
  40. ^ Frieda, 154; Holt, 38–39.
  41. ^ Knecht, Renaissance France, 282.
  42. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 65–66.
  43. ^ Sutherland, Ancien Régime, 32.
  44. ^ Frieda, 151; Knecht, 72; Guy, 119.
  45. ^ Pettegree, 154; Hoogvliet, 105. Theo truyền thống, quyền nhiếp chính dành cho Vương thân thứ nhất (The first prince of the blood) như Antoine de Bourbon.
  46. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 73.
  47. ^ Quoted by Frieda, 203.
  48. ^ a b Sutherland, Ancien Régime, 28.
  49. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 80.
  50. ^ Knecht, Renaissance France, 311; Sutherland, Ancien Régime, 11–12. Chỉ dụ này, còn gọi là Chỉ dụ Bao dung, hoặc Chỉ dụ tháng Giêng, thừa nhận sự hiện hữu của các nhà thờ Kháng Cách, và cho phép họ thờ phụng bên ngoài tường thành các thành phố.
  51. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 87; Frieda, 188.
  52. ^ Frieda, 188–89.
  53. ^ Sutherland, Secretaries of State, 140.
  54. ^ Frieda, 191. Phe nổi dậy ký Hiệp ước Hampton Court (1562) với Elizabeth I của Anh, nhượng Le Havre cho Anh (sau này đổi với Calais), để nhận được sự ủng hộ của Elizabeth
  55. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 89.
  56. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 91; Carroll, 126; Sutherland, Ancien Régime, 17.
  57. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 91–92.
  58. ^ Frieda, 268; Sutherland, Ancien Régime, 20.
  59. ^ Sutherland, Ancien Régime, 15.
  60. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 104, 107–8; Frieda, 224.
  61. ^ Quoted by Knecht, Catherine de' Medici, 149.
  62. ^ Wood, 17.
  63. ^ Frieda, 234; Sutherland, Secretaries of State, 147.
  64. ^ Frieda, 239; Knecht, Catherine de' Medici, 118.
  65. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 120.
  66. ^ Frieda, 232.
  67. ^ Bryson, 204.
  68. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 132.
  69. ^ Frieda, 241.
  70. ^ Wood, 28.
  71. ^ Holt, 77; Frieda, 397. Năm 1579 François, Công tước Alençon đến thăm Elizabeth, bà âu yếm gọi ông là "con ếch của bà" nhưng tránh né ông.
  72. ^ Frieda, 257; Knecht, Catherine de' Medici, 135.
  73. ^ Jeanne III của Navarra viết cho con trai Henri, "Mẹ không có cơ hội nói chuyện với vua và Vương hậu, chỉ phải tiếp chuyện Thái hậu, người chuyên châm chọc mẹ [me traite á la fourche] ... Con cần biết rằng mục tiêu chính của họ là tách rời con khỏi Thiên Chúa, và khỏi mẹ." Quoted by Knecht, Catherine de' Medici, 148–49.
  74. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 151. Một cuộc giải phẫu tử thi chỉ ra rằng có bệnh lao và ung mủ.
  75. ^ Sutherland, Massacre of St Bartholomew, 313.
  76. ^ Frieda, 254, 304–5; Holt, 83. Các điều tra viên tìm ra ngôi nhà cùng với ngựa của nhà Guise, tuyên bố có chứng cứ thủ phạm là Charles de Louviers de Maurevert.
  77. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 154–57. Coligny vận động nhà vua can thiệp chống lại sự cai trị của Đế quốc Tây Ban Nha ở Hà Lan...
    • Frieda, 292. Công tước Anjou được thuật lại có nói rằng ông và Catherine lập kế hoạch ám sát với Anne d’Este, d’Este vẫn mong báo thù cho chồng, François, Công tước Guise.
    • Để có một khái lược về những cách giải thích khác nhau của các sử gia, xin xem Holt, 83–4.
  78. ^ Pettegree, 159–60.
  79. ^ Holt, 84.
    Thống chế Tavannes kể lại rằng Catherine triệu tập một hội đồng chiến tranh tại Điện Tuleries (để không bị nghe lén) để lập kế hoạch cho bước kế tiếp: "Bởi vì Đô đốc (Gaspard de Coligny) muốn gây chiến, bà ấy và tất cả chúng tôi đồng ý rằng sẽ là một điều khôn ngoan khi khai chiến ngay tại Paris." Hầu như chắc chắn rằng khi ra lệnh, "Giết hết chúng đi!" Charles chỉ muốn nói đến những người có tên trong danh sách của Catherine chứ không phải tất cả người Huguenot. Frieda, 306–8.
  80. ^ Holt, 84.
  81. ^ Quoted by Morris, 252.
  82. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 162.
  83. ^ Frieda, 324.
  84. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 163–64; Heller, 117; Manetsch, 60–61. Tinh thần chống Ý không chỉ có ở người Huguenot mà cả ở người Công giáo, cố tìm ra một con dê tế thần cho những mối thâm thù trong nội bộ nước Pháp.
  85. ^ Tiểu thuyết Marguerite de Valois, Vương hậu Pháp của Alexandre Dumas
  86. ^ Frieda, 350.
  87. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 172.
  88. ^ Frieda, 375.
  89. ^ Sutherland, Secretaries of State, 232, 240, 247.
  90. ^ Sutherland, Ancien Régime, 22.
  91. ^ Sutherland, Secretaries of State, 205.
  92. ^ Holt, 104.
  93. ^ Holt, 105–6; Knecht, Catherine de' Medici, 186; Frieda, 384–87.
  94. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 212–13; Frieda, 406–7.
  95. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 217.
  96. ^ Frieda, 404.
  97. ^ Frieda, 415.
  98. ^ Frieda, 416; Knecht, Catherine de' Medici, 254–55.
  99. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 189; Frieda, 389.
  100. ^ Sutherland, Secretaries of State, 209; Frieda, 392.
  101. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 200.
  102. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 201.
  103. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 185; Frieda, 386.
  104. ^ Pettegree, 164.
  105. ^ Sutherland, Secretaries of State, 255.
  106. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 249; Frieda, 412.
  107. ^ a b Knecht, Catherine de' Medici, 251.
  108. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 253.
  109. ^ Sutherland, Secretaries of State, 287.
  110. ^ Frieda, 420; Knecht, Catherine de' Medici, 257.
  111. ^ Frieda, 362–63.
  112. ^ "Ngày Chướng ngại vật", người ta gọi cuộc nổi dậy với cái tên như thế, "đã làm giảm thiểu thẩm quyền và uy tín của vương quyền đến mức thấp nhất trong một thế kỷ rưỡi". Morris, 260.
  113. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 263.
  114. ^ Frieda, 432.
  115. ^ Henry wrote a note to Villeroy, which began: "Villeroy, I remain very well contented with your service; do not fail however to go away to your house where you will stay until I send for you; do not seek the reason for this my letter, but obey me". Sutherland, Secretaries of State, 300–3.
  116. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 264–65.
  117. ^ Pettegree, 165.
  118. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 266. Những lời nầy được bác sĩ của Catherine, Filippo Cavriana, một gián điệp, báo cáo cho chính quyền Firenze.
  119. ^ a b Knecht, Catherine de' Medici, 267.
  120. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 268–69.
  121. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 269.
  122. ^ Brantôme, 88.
  123. ^ Hoogvliet, 109.
  124. ^ Knecht, 220.
  125. ^ Knecht, 240–41.
  126. ^ Dimier, 205–6.
  127. ^ a b Blunt, 98.
  128. ^ Blunt gọi phong cách của Caron "có lẽ là hình mẫu tinh tuyền nhất của trường phái Mannerism trong hình thức tao nhã nhất của nó, thích hợp với xã hội thanh lịch nhưng loạn thần kinh đương thời.". Blunt, 98, 100.
  129. ^ Frieda, 225.
  130. ^ Yates, 68.
  131. ^ a b Babelon, 263.
  132. ^ Knecht, 228.
  133. ^ Knecht, 223.
  134. ^ Frieda, 266; Hoogvliet, 108.
  135. ^ Zerner, 379.
  136. ^ Thomson, 168.
  137. ^ Knecht, Catherine de' Medici, 244.
  138. ^ Heritier, 48; Frieda, 69, has the twins' deaths the other way round.

Tham khảo

sửa

Liên kết ngoài

sửa
Vương thất Pháp
Tiền nhiệm
Leonor của Castilla
Vương hậu Pháp
31 tháng 3 năm 1547 – 10 tháng 7 năm 1559
Kế nhiệm
Mary I của Scotland
Quý tộc Pháp
Tiền nhiệm
Anne de la Tour d'Auvergne
Nữ bá tước của Auvergne
1524 – 5 tháng 1 năm 1589
Kế nhiệm
Charles III, Công tước của Lorraine

  NODES
Association 1
Note 1