Konstantinos VII
Konstantinos VII Porphyrogennetos hay Porphyrogenitus, nghĩa là "Dòng dõi vương giả" (tiếng Hy Lạp: Κωνσταντῖνος Ζ΄ Πορφυρογέννητος, Kōnstantinos VII Porphyrogennētos; 2 tháng 9, 905 – 9 tháng 9, 959), là vị Hoàng đế thứ tư thuộc vương triều Makedonia của Đế quốc Đông La Mã, trị vì từ năm 913 đến 959. Ông là con trai của Hoàng đế Leon VI và người vợ thứ tư Zoe Karbonopsina, và cũng là cháu của tiên đế Alexandros.
Konstantinos VII | |||||
---|---|---|---|---|---|
Hoàng đế của Đế quốc Đông La Mã | |||||
Tại vị | Đồng tiểu hoàng đế 908–913 và 920–945, hoàng đế duy nhất 913–920 (dưới thời nhiếp chính) và 945–959 | ||||
Tiền nhiệm | Alexandros | ||||
Kế nhiệm | Romanus Lecapenus Romanos II | ||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | 17 hay 18 tháng 5, 905[1] Constantinopolis | ||||
Mất | 9 tháng 11, 959 (54 tuổi)[1] Constantinopolis | ||||
Phối ngẫu | Helena Lekapene | ||||
Hậu duệ | Romanos II Theodora | ||||
| |||||
Hoàng tộc | Nhà Makedonia | ||||
Thân phụ | Leon VI | ||||
Thân mẫu | Zoe Karbonopsina |
Hầu hết triều đại của ông đều chịu sự chi phối của các đồng nhiếp chính: từ năm 913 đến 919 là thời kỳ thái hậu Zoe buông rèm nhiếp chính, trong khi từ năm 920 đến 945 Konstantinos phải chia sẻ ngôi báu với người cha vợ Romanos Lekapenos cùng đám con cháu kế cận. Hoàng đế còn được biết đến với bốn tác phẩm nổi tiếng của mình gồm De Administrando Imperio (dịch sang tiếng Hy Lạp là Πρὸς τὸν ἴδιον υἱόν Ῥωμανόν), De Ceremoniis (Περὶ τῆς Βασιλείου Τάξεως), De Thematibus (Περὶ θεμάτων Άνατολῆς καὶ Δύσεως), và Vita Basilii (Βίος Βασιλείου).
Biệt danh của ông ám chỉ đến căn phòng màu tím của Cung thất được trang hoàng với pocfia, nơi những đứa trẻ hợp pháp của các hoàng đế trị vì đã được sinh ra bình thường. Konstantinos cũng được sinh ra trong căn phòng này, mặc dù mẹ ông không được kết hôn với Leon tại thời điểm đó. Tuy nhiên, tính ngữ này lại cho phép ông nhấn mạnh đến địa vị của mình là một đứa con hợp pháp, trái với tất cả những người khác đã tuyên bố ngôi vị trong suốt cuộc đời họ. Những đứa con trai sinh ra cho một vị Hoàng đế trị vì thường được ưu tiên xếp vào dòng dõi thừa kế Đông La Mã hơn người con trai trưởng không sinh ra "trong màu áo tía".
Triều đại
sửaKonstantinos chào đời tại kinh thành Constantinopolis vào ngày 2 tháng 9 năm 905, là một đứa con ngoài giá thú sinh ra trước cuộc hôn nhân thứ tư không hợp quy chuẩn. Để giúp hợp pháp hóa nó, bà mẹ đã lén sinh ông trong căn phòng màu tím của hoàng cung, vì thế mà Konstantinos có biệt danh là Porphyrogennetos. Ông được phụ hoàng và hoàng thúc chọn lên ngôi mang tính tượng trưng khi mới lên hai tuổi vào ngày 15 tháng 5 năm 908. Sau cái chết của hoàng thúc Alexandros vào năm 913 và sự thất bại trong việc soán ngôi của Konstantinos Doukas, ông chính thức kế thừa ngôi vị ở tuổi lên bảy dưới quyền nhiếp chính của Thượng phụ Constantinopolis, Nicholas Mystikos.
Thượng phụ Nicholas ngay sau đó buộc phải làm hòa với Sa hoàng Simeon của Bulgaria, người mà ông miễn cưỡng công nhận là Hoàng đế Bungaria. Vì sự nhượng bộ không mấy dễ chịu này mà Thượng phụ Nicholas đã bị Thái hậu Zoe đẩy ra khỏi chức nhiếp chính vương. Riêng bà cũng chẳng thành công gì hơn với người Bulgaria vì họ đã đánh bại người ủng hộ chính của mình là tướng quân Leon Phokas vào năm 917. Năm 919, quyền nhiếp chính của bà bị thay thế bởi đô đốc Romanos Lekapenos, người đã gả con gái mình là Helena Lekapene cho Konstantinos. Romanos sử dụng vị trí của mình để thăng tiến lên tới chức basileopatōr vào tháng 5 năm 919 và kaisar (Caesar) vào tháng 9 năm 919, rồi cuối cùng là đồng hoàng đế vào tháng 12 năm 920. Vì vậy chỉ trong một thơi gian ngắn tới tuổi thành niên trên danh nghĩa, Konstantinos đã bị che khuất bởi một Hoàng đế cấp cao.
Thời niên thiếu của Konstantinos tràn ngập nỗi buồn khôn nguôi do vẻ ngoài khó chịu, tính tình ít nói của mình, cũng như việc ông bị giáng xuống hàng thừa kế thứ ba, chịu đứng sau Christophoros Lekapenos, con trưởng của Romanos I Lekapenos. Tuy vậy Konstantinos lại là một chàng thanh niên rất thông minh với mối quan tâm đến khá nhiều lĩnh vực nhất là văn học, phần lớn thời gian còn lại trong những năm qua ông chỉ chú tâm vào việc nghiên cứu nghi lễ trong triều đình.
Romanos cố giữ vững và duy trì quyền lực cho đến năm 944 thì bị đám con cháu là đồng hoàng đế Stephanos và Konstantinos lật đổ. Romanos đã dành những năm cuối đời mình sống lưu vong trên đảo Prote như một tu sĩ và qua đời vào ngày 15 tháng 6 năm 948.[2] Với sự trợ giúp đắc lực từ vợ mình, Konstantinos VII đã thành công trong việc loại bỏ người em rể háo danh và trở thành vị Hoàng đế duy nhất ở tuổi 39 vào ngày 27 tháng 1 năm 945, sau những tháng ngày sống trong đêm tối. Vài tháng sau, Konstantinos VII làm lễ đăng quang cho thái tử Romanos II làm đồng hoàng đế. Để khỏi vướng bận đến việc thực hiện quyền hành pháp, Konstantinos dành phần lớn thời giờ cho các mục đích học thuật và giao lại quyền hành cho các quan viên và tướng lĩnh thân cận, cũng như với người vợ tràn đầy sinh lực Helena Lekapene.
Năm 949 Konstantinos đã điều động một hạm đội mới gồm 100 chiến thuyền (20 tàu dromon, 64 tàu chelandia và 10 tàu galley) đến tiêu diệt đám hải tặc Ả Rập ẩn náu ở Crete, nhưng cũng giống như nỗ lực của tiên đế hòng chiếm lại hòn đảo vào năm 911, nỗ lực này cũng thất bại. Trên phòng tuyến phía đông thì việc này lại được làm tốt hơn dù có được thay thế bởi những thành công khác. Năm 949 Đông La Mã chinh phục được xứ Germanicea, nhiều lần đánh bại quân đội của đối phương và vượt qua vùng thượng du sông Euphrates vào năm 952. Nhưng đến năm 953 amir Ả Rập là Sayf al-Daula đã tái chiếm Germanicea và tiến quân vào lãnh thổ của đế quốc. Vùng đất phía đông cuối cùng đã được Nikephoros Phokas giành lại, ông cũng chính là người đã chinh phục xứ Hadath ở miền bắc Syria vào năm 958, và bởi viên tướng người Armenia là Ioannes Tzimiskes, người một năm sau đó chiếm được Samosata ở miền bắc Lưỡng Hà. Một hạm đội Ả Rập cũng bị phá hủy bởi ngọn lửa Hy Lạp vào năm 957. Những nỗ lực của Konstantinos để chiếm lại các tỉnh thành (themes) rơi vào tay người Ả Rập là những nỗ lực đầu tiên như vậy dù có được chút ít thành công thực sự.
Konstantinos cũng có mối quan hệ ngoại giao tích cực với triều đình các xứ ngoại quốc gồm caliph của Cordoba Abd ar-Rahman III và Hoàng đế La Mã Thần thánh Otto I. Ngoài ra còn thêm chuyến viếng thăm của nhiếp chính vương Rus Kiev là Olga của Kiev vào mùa thu năm 957. Nguyên nhân của chuyến đi này đến giờ vẫn còn mơ hồ; nhưng bà được rửa tội thành một người Thiên Chúa giáo với cái tên Helena và còn gửi các phái đoàn truyền giáo khuyến khích người dân của mình cải đạo sang Kitô giáo. Theo truyền thuyết thì Konstantinos VII đã phải lòng Olga nhưng bà tìm cách từ chối bằng cách đánh lừa ông trở thành cha đỡ đầu của mình. Sau khi rửa tội xong thì bà nói rằng sẽ thật khó coi nếu một người cha đỡ đầu lại đi cưới cô con gái mà mình đỡ đầu.[3]
Ít lâu sau Konstantinos VII qua đời ở Constantinopolis vào tháng 11 năm 959 và thái tử lên ngôi hiệu là Romanos II. Có tin đồn rằng Konstantinos đã bị người con trai hoặc cô con gái riêng của ông là Theophano đầu độc.
Hoạt động văn học và chính trị
sửaKonstantinos VII nổi tiếng về khả năng của mình trong vai trò là một nhà văn và học giả. Ông viết hoặc sai người biên soạn các tác phẩm như De Ceremoniis ("Lễ Nghi", trong tiếng Hy Lạp, Περί τῆς Βασιλείου Τάξεως), mô tả các loại nghi lễ triều đình (cũng được mô tả sau này trong một cái nhìn tiêu cực hơn của Liutprand xứ Cremona); De Administrando Imperio ("Về việc quản lý Đế quốc", dịch sang tiếng Hy Lạp với tựa đề Προς τον ίδιον υιόν Ρωμανόν), đưa ra lời khuyên về sự điều hành trong nội bộ Đế quốc và chiến đấu với kẻ thù bên ngoài; một cuốn lịch sử của Đế quốc bao gồm các sự kiện từ sau cái chết của nhà hiền triết Theophanes the Confessor vào năm 817; và Excerpta Historica ("Những trích đoạn Lịch sử"), một tập hợp các trích đoạn từ giới sử học cổ đại (mà nhiều tác phẩm trong số đó giờ đã thất truyền) gồm bốn tập (1. De legationibus. 2. De virtutibus et vitiis. 3. De insidiis. 4. De sententiis.) Ngoài ra trong số các công trình lịch sử của ông là một bộ sử ca tụng về triều đại và những thành tựu của ông nội mình là Hoàng đế Basil I (Vita Basilii, Βίος Βασιλείου). Những quyển sách này có nội dung sâu sắc và quan tâm đến các mặt như sử học, xã hội học, nhân chủng học và đóng vai trò như một nguồn thông tin về các quốc gia láng giềng của Đế quốc Đông La Mã. Chúng còn cung cấp một cái nhìn sâu sắc tốt đẹp về chính Hoàng đế.
Trong tác phẩm A Short History of Byzantium (Lược sử Byzantium), John Julius Norwich có nhắc đến Konstantinos VII như một vị "Hoàng đế Học giả"[4] và mô tả ông như sau:
Ông ấy như chúng ta được biết là một nhà sưu tập đam mê—không chỉ sách vở và bản thảo mà còn cả những tác phẩm nghệ thuật của mỗi loại; trông vẫn đáng nổi bật hơn là một người thuộc tầng lớp của mình, ông dường như đã là một họa sĩ tuyệt vời. Ông là người bảo trợ hào phóng nhất đối với giới văn nhân và học giả, nghệ sĩ và thợ thủ công. Cuối cùng, ông là một vị Hoàng đế tuyệt vời: một nhà quản lý tài năng, tỉ mỉ và làm việc chăm chỉ, đồng thời cũng chọn người dựa theo cảm hứng, bổ nhiệm vào các chức vụ trong quân đội, hải quân, giáo hội, dân sự và kinh viện đều giàu trí tưởng tượng và thành công. Ông đã làm nhiều việc để phát triển nền giáo dục đại học và có mối quan tâm đặc biệt đến sự công bằng trong chính quyền.[5]
Năm 947, Konstantinos VII đã ra lệnh hoàn trả lại ngay lập tức tất cả đất đai của nông dân mà không cần phải bồi thường; cho đến cuối triều đại của ông, địa vị của giới nông dân được nâng lên giúp hình thành nền tảng của toàn bộ sức mạnh kinh tế và quân sự của đế quốc, trông tốt hơn nhiều so với trước đó chừng một thế kỷ.[6]
Trong tác phẩm The Manuscript Tradition of Polybius (Bản thảo về truyền thống của Polybius), John Michael Moore (CUP, 1965) đã cung cấp một bản tóm tắt sự hữu ích của việc ủy nhiệm bởi Porphyrogenitus trong các trích đoạn về Konstantinos:
Ông cảm thấy rằng việc nghiên cứu lịch sử đã bị lãng quên một cách nghiêm trọng, chủ yếu là do số lượng lớn nguồn sử liệu. Vì thế ông đã quyết định rằng một lựa chọn dưới năm mươi ba tựa sách phải được làm từ tất cả các nhà sử học quan trọng hiện còn ở Constantinopolis; do đó ông hy vọng việc thu thập trong một phạm vi dễ quản lý hơn những phần có giá trị nhất của mỗi tác giả.... Trong năm mươi ba tựa sách vào các đoạn trích được chia, chỉ có sáu là còn tồn tại gồm: de Virtutibus et Vitiis; de Sententiis; de Insidiis; de Strategematis; de Legationibus Gentium ad Romanos; de Legationibus Romanorum ad Gentes. Các tựa sách chỉ khoảng một nửa bốn mươi bảy phần còn lại là còn được biết đến.[7]
Gia đình
sửaVới hoàng hậu Helena Lekapene, con gái của Hoàng đế Romanos I, Konstantinos VII có với nhau mấy người con gồm:
- Leon, mất lúc nhỏ.
- Romanos II.
- Zoe. Gửi đến một tu viện.
- Theodora, người kết hôn với Hoàng đế Ioannes I Tzimiskes.
- Agatha. Gửi đến một tu viện.
- Theophano. Gửi đến một tu viện.
- Anna. Gửi đến một tu viện.
Chú thích
sửa- ^ a b "Constantine VII Porphyrogennetos" in The Oxford Dictionary of Byzantium, Oxford University Press, New York & Oxford, 1991, p. 502. ISBN 0195046528
- ^ Ostrogorsky, George (1969). History of the Byzantine State. New Brunswick, NJ: Rutgers University Press. tr. 278. ISBN 0-8135-0599-2.
- ^ S. H. Cross and O. P. Sherbowizt-Wetzor (trans.) (1953). The Russian Primary Chronicle: Laurentian Text. Cambridge, MA: Medieval Academy of America. tr. 82–83. ISBN 9780915651320.
- ^ Norwich, John Julius. (1997) A Short History of Byzantium. London: Viking, p. 180. ISBN 0-679-45088-2
- ^ Norwich, 181.
- ^ Norwich, 182-83.
- ^ Moore, 127.
Tham khảo
sửa- Kazhdan, Alexander biên tập (1991). The Oxford Dictionary of Byzantium. Oxford University Press.
- Runciman, Steven (1990) [1929]. The Emperor Romanus Lecapenus and his Reign. Cambridge: University Press. ISBN 0-521-35722-5.
- Toynbee, Arnold (1973). Constantine Porphyrogenitus and his world. Oxford. ISBN 0-19-215253-X.
- Constantine VII, De ceremoniis, ed. J. Reiske (2 vols., 1829, 1830). English translation 'The Book of Ceremonies' accompanying the Greek text in 2 volumes by Ann Moffatt and Maxene Tall, Canberra 2012 (Byzantina Australiensia 18).
- Constantine VII, De administrando imperio, ed. G. Moravcsik, tr. R.J.H. Jenkins (1967)
- Constantine VII, 'Story of the Image of Edessa', tr. B. Slater, J. Jackson, in I. Wilson, The Turin Shroud (1978), p. 235-51
- Constantine VII, Three treatises on Imperial military expeditions, ed. tr. J.F. Haldon (1990).