Phùng Quang Thanh
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Quang Thanh (2 tháng 2 năm 1949 – 11 tháng 9 năm 2021) là một tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ông mang quân hàm Đại tướng và từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (2006–2016), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (2001–2006), Ủy viên Bộ Chính trị khóa X và XI, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI, XII,[1]XIII.
Tiểu sử
sửaPhùng Quang Thanh sinh tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc nay là huyện Mê Linh, Hà Nội.
Ông gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1967, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Nam Lào trong chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh biên giới phía Bắc.
Năm 1968, ông gia nhập Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Năm 1971, ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì thành tích chiến đấu, lúc đang giữ chức vụ trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 Đồng Bằng. Theo lời kể thì:
Ngày 11 tháng 2 năm 1971, Phùng Quang Thanh-Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng 1 đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công chốt. Phùng Quang Thanh chỉ huy tiểu đội chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng Phùng Quang Thanh diệt 8 tên. Hai ngày sau địch lại tiến công lên chốt, Phùng Quang Thanh bị thương, cấp trên cho lui về tuyến sau nhưng anh xin ở lại chiến đấu. Phùng Quang Thanh nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người nhờ y tá băng và treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu tiểu đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng tiểu đội do anh chỉ huy diệt 37 tên, bắt 1 tên, thu 2 súng.[2]
Tháng 10 năm 1971 đến tháng 6 năm 1972, ông được đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân.
Tháng 7 năm 1972, trở lại đội chiến đấu, giữ chức Tiểu đoàn phó, sau đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9.
Tháng 8 năm 1974 đến tháng 12 năm 1976, ông được cử đi học đào tạo cán bộ trung đoàn tại Học viện Quân sự (nay là Học viện Lục quân).
Từ năm 1977 đến 1989, ông lần lượt giữ các chức vụ chỉ huy từ cấp Trung đoàn đến Sư đoàn.
Tháng 9 năm 1986 đến tháng 7 năm 1988, Đảng ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy rồi phụ trách Sư đoàn 390, sau đó là Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.
Tháng 8 năm 1988 đến tháng 2 năm 1989, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh 312.
Năm 1989, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự Voroshilov (Liên Xô), năm sau về nước, học tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng Việt Nam).
Từ 8/1991- 8/1993, ông làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 lần thứ 2. Sau đó được điều về Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu giữ chức Phó Cục trưởng (1993), thăng quân hàm Thiếu tướng (1994) rồi giữ chức Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu (1995).
Tháng 8 năm 1997, ông học lớp chính trị ngắn hạn tại Học viện Chính trị Quân sự. Ông có học vị Cử nhân.
Tháng 12 năm 1997, ông được điều về giữ chức Tư lệnh Quân khu 1. Được thăng Trung tướng năm 1999.
Từ tháng 5 năm 2001 đến tháng 8 năm 2006 (thăng Thượng tướng năm 2003), ông được Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (thay Trung tướng Lê Văn Dũng sang giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ngày 27 tháng 6 năm 2006, ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, thay thế cho người tiền nhiệm là Phạm Văn Trà quyết định hưu trí.
Ngày 6 tháng 7 năm 2007, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao quân hàm Đại tướng.
Ông cũng từng kiêm chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm và Cứu nạn.
Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa IX (2001), X (2006), XI (2011), là Ủy viên Bộ Chính trị khóa X (2006), khóa XI (2011).
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, ông được Quốc hội phê chuẩn tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 1 năm 2016, tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, ông không tái cử Ủy viên Trung ương Đảng vì nguyên nhân do chuẩn bị nghỉ hưu.
Tháng 4 năm 2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với Đại tướng Phùng Quang Thanh.[3]
Ngày 11 tháng 9 năm 2018, Phùng Quang Thanh được Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tại Hà Nội.[4]
Sức khoẻ
sửaViệc ông Thanh không xuất hiện trong các sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam trong một thời gian đã dẫn tới những đồn đoán về tình trạng của ông. Ông không tham dự cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 ngày 29 tháng 6 năm 2015 và Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX khai mạc sáng ngày 1 tháng 7 năm 2015 tại Hà Nội.[5]
Ngày 1 tháng 7 năm 2015, báo Tuổi Trẻ đăng bài viết cho biết theo thông tin từ Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương ông Thanh đã sang Pháp chữa bệnh cách đây một tuần. Tại Pháp, ông Thanh được phẫu thuật vào tối ngày 30 tháng 6 năm 2015. Theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ chấn thương vùng ngực từ thời chiến đã khiến phổi của ông Thanh bị xơ hoá một phần. Khoảng hai tháng trước ông Thanh bị "ho nặng". Kết quả sinh thiết không cho thấy ông Thanh bị ung thư nhưng "ho nặng" và xơ hoá phổi có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi.[5][6]
Sáng ngày 2 tháng 7 năm 2015, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương Nguyễn Quốc Triệu cho phóng viên báo Người Lao động biết ông Thanh bị u phổi, khối u của ông Thanh là khối u lành tính.[5][7]
Cũng trong ngày 2 tháng 7 Phạm Gia Khải, thành viên Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, nói với phóng viên báo Infonet rằng ông Thanh đang điều trị bệnh ở Paris (Pháp), ông Thanh sang Pháp từ hôm 24 tháng 6 năm 2015. Theo ông Khải thì trước khi ông Thanh sang Pháp "chúng tôi có hội chẩn kiểm tra sức khỏe 3-4 lần và phát hiện một vết sẹo trong phổi. Vết sẹo này là do vết thương hồi chiến tranh chống Mỹ, khi đó ông Thanh bị tai nạn ô tô và đập ngực vào vô lăng xe ô tô". Ông nói "Trước khi sang Pháp chữa bệnh, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã được chúng tôi kiểm tra sức khỏe nhiều lần, nhưng không thấy dấu hiệu gì đặc biệt, không áp xe, không ung thư. Nhưng cách đây khoảng 2 tháng, ông Thanh bị ho ra máu, mỗi ngày một ít. Chúng tôi đã cho sinh thiết ở phế quản, tương ứng nơi ra máu nhưng không phát hiện được dấu hiệu gì. Sau đó, ông Thanh được Đại sứ quán Pháp giới thiệu sang Pháp chữa trị". Ông Khải cho phóng viên biết là theo thông tin ông nhận được từ ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương, thì sau phẫu thuật "Sức khỏe của ông Thanh hoàn toàn ổn định, không có diễn biến xấu và tới đây sẽ về Việt Nam".[8]
Ngày 6 tháng 7 năm 2015, thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam ban hành quyết định số 60/QĐ-XPVPHC xử phạt báo Đời sống và Pháp luật 30 triệu đồng vì trang web doisongphapluat.com của báo này đã đăng bài viết "Tiểu sử Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh" với nội dung là tiểu sử của ông Thanh. Bài viết này bị cho là "vi phạm điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (gọi tắt là Nghị định 174) của Chính phủ Việt Nam".[9][10][11] Hiện bài viết "Tiểu sử Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh" trên trang doisongphapluat đã bị xoá. Theo BBC Tiếng Việt, bài viết về tiểu sử ông Thanh được đăng vào lúc đang có những đồn đoán về sức khoẻ của ông Thanh có thể khiến một số độc giả nghĩ rằng ông Thanh đã qua đời.[9]
Ngày 20/7/2015, theo nguồn tin DPA lấy từ một nguồn tin khuyết danh trong bệnh viện[12], ông Phùng Quang Thanh qua đời vào lúc 10 giờ 25 phút (theo giờ địa phương), ngày 19 tháng 7 năm 2015 (tức 15 giờ 25 phút cùng ngày, theo giờ Hà Nội) tại một bệnh viện ở Pháp khi đang chữa trị căn bệnh ung thư phổi. Nhưng ngày 20 tháng 7, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã bác bỏ thông tin của Thông tấn xã Đức (DPA) dẫn tin xấu về sức khỏe của ông Thanh vì đã "lấy từ một nguồn tin quân đội không có thẩm quyền phát ngôn"[13][14]. Ông Tuấn cho biết "sức khỏe của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đang ổn định, dự kiến cuối tháng sẽ trở về nước".[15] Nửa ngày sau, DPA đã gỡ bài báo trên khỏi trang web và tới ngày 25/7, DPA đã chính thức gửi thư xin lỗi về thông tin sai lệch liên quan tình trạng sức khoẻ của ông Phùng Quang Thanh[16].
Ngày 25/7/2015 các báo loan tin ông Thanh đã về và được đưa về nhà riêng tại Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội.[17] Tuy nhiên, vẫn có dư luận hoài nghi ông đã về thực sự chưa.[18]
Ngày 27/7/2015, ông vắng mặt trong lễ dâng hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ và viếng lăng Hồ Chủ tịch.[18] Tuy nhiên đến tối cùng ngày, ông chính thức xuất hiện tại hội trường Bộ Quốc phòng để tham dự Chương trình giao lưu nghệ thuật "Khát vọng đoàn tụ", nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng [19].
Qua đời
sửaSáng ngày 11/9/2021, theo thông tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Đại tướng Phùng Quang Thanh sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do bệnh nặng, sức yếu, ông đã từ trần vào hồi 03 giờ 45 phút, ngày 11/9/2021 (tức ngày 5 tháng 8 năm Tân Sửu) tại nhà riêng số 10, ngõ 9, đường Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội.[20][21]
Gia đình
sửa- Con trai là Đại tá Phùng Quang Hải, sinh năm 1974, nguyên Chủ tịch Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Khen thưởng
sửaHuân chương, huy chương Việt Nam
sửa- Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1971).
- Huân chương Hồ Chí Minh.[22]
- Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
- 02 Huân chương Chiến công hạng Nhất.
- Huân chương Chiến công hạng Nhì.
- Huân chương Chiến công hạng Ba.
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
- Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
- 02 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất.
- Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì.
- 02 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.
- Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì.
- Huy chương Quân kỳ quyết thắng.
- Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Huân chương, huy chương nước ngoài
sửa- Huân chương Tự do hạng Nhất của CHDCND Lào.[23]
- Huân chương Hoàng gia Sahametrei hạng Nhất của Vương quốc Campuchia.[24]
- Huân chương Hữu nghị của Liên bang Nga.[24]
Vinh danh
sửaNgày 07/05/2024, UBND TP Thủ Đức đề nghị đổi tên quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) thành đường Phùng Quang Thanh.
Lịch sử thụ phong quân hàm
sửaNăm thụ phong | 1972 | 1976 | 1980 | 1984 | 1988 | 1994 | 1999 | 2003 | 2007 |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Quân hàm | |||||||||
Cấp bậc | Đại úy | Thiếu tá | Trung tá | Thượng tá | Đại tá | Thiếu tướng | Trung tướng | Thượng tướng | Đại tướng |
Chú thích
sửa- ^ “Danh sách Đại biểu Quốc hội khóa XII”. Quốc hội Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2012.
- ^ “Chiến dịch phản công Đường 9”. Quân đội nhân dân. Truy cập 8 tháng 7 năm 2015.
- ^ “20 thành viên chủ chốt của Chính phủ thôi chức”. vnexpress. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2016.
- ^ “Bình luận Tặng huy hiệu Đảng cho hai Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ngô Xuân Lịch”. Vietnamnet. Truy cập ngày 8 tháng 1 năm 2019.
- ^ a b c Về sức khỏe Tướng Phùng Quang Thanh, BBC Tiếng Việt, truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2015.
- ^ L.Anh, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh trị bệnh tại Pháp, Tuổi Trẻ, truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2015.
- ^ N.Dung, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phẫu thuật u phổi tại Pháp, Người Lao động, truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2015.
- ^ Tin mới nhất về sức khỏe Đại tướng Phùng Quang Thanh, Lao động, truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2015.
- ^ a b Bị phạt vì đăng tiểu sử Tướng Thanh, BBC Tiếng Việt, truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2015.
- ^ Phạt tờ báo đăng tiểu sử Bộ trưởng Phùng Quang Thanh 30 triệu đồng, Người Lao động, truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2015.
- ^ Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện Lưu trữ 2015-07-08 tại Wayback Machine, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- ^ “Vietnam defence minister dies in France after cancer treatment”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 7 năm 2015.
- ^ “Phó tổng tham mưu trưởng bác bỏ tin thất thiệt về sức khỏe Bộ trưởng Phùng Quang Thanh - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 20 tháng 7 năm 2015.
- ^ “Tướng Thanh 'không có vấn đề về sức khỏe' - BBC Tiếng Việt” (bằng tiếng Anh). BBC News. Truy cập 21 tháng 7 năm 2015.
- ^ “"Cuối tháng 7-2015, đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ về nước" - Tuổi Trẻ Online”. Tuổi Trẻ Online. 20 tháng 7 năm 2015. Truy cập 20 tháng 7 năm 2015.
- ^ “Hãng thông tấn DPA gửi thư xin lỗi Bộ trưởng Phùng Quang Thanh - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 25 tháng 9 năm 2015.
- ^ “Đại tướng Phùng Quang Thanh về đến Hà Nội”. 25 tháng 7 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 7 năm 2015. Truy cập 25 tháng 9 năm 2015.
- ^ a b “Tướng Thanh vắng mặt tại lễ tưởng niệm”. BBC Vietnamese. 27 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2018.
- ^ “Đại tướng Phùng Quang Thanh dự chương trình truyền hình trực tiếp”.
- ^ Hà Thanh (11 tháng 9 năm 2021). “Đại tướng Phùng Quang Thanh từ trần”. Tuổi trẻ. Truy cập 11 tháng 9 năm 2021.
- ^ TTXVN (11 tháng 9 năm 2021). “Đại tướng Phùng Quang Thanh từ trần”. Báo Tin tức - TTXVN. Truy cập ngày 11 tháng 9 năm 2021.
- ^ “Tóm tắt tiểu sử Đại tướng Phùng Quang Thanh”.
- ^ “CHDCND Lào trao Huân chương Vàng Quốc gia và Huân chương ITSARA hạng Nhất tặng lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam”.
- ^ a b “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Đại tướng Phùng Quang Thanh”.
Liên kết ngoài
sửa- Tóm tắt tiểu sử Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh Lưu trữ 2015-07-22 tại Wayback Machine tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam