Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2009/12
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Frank LampardFrank James Lampard, Jr. (sinh 1978) là cầu thủ bóng đá người Anh hiện đang thi đấu cho câu lạc bộ Chelsea FC và đội tuyển Anh. Vị trí của anh là tiền vệ trung tâm và cũng chơi ở vị trí tiền vệ công. Hiệu suất ghi bàn của anh không thua kém gì một tiền đạo. Hiện nay, Lampard đang nắm giữ một số kỷ lục như 164 trận liên tiếp xuất hiện trong đội hình xuất phát ở Giải bóng đá ngoại hạng Anh, tiền vệ ghi bàn nhiều nhất cho Chelsea, tiền vệ thứ hai trong lịch sử Giải bóng đá ngoại hạng Anh ghi được hơn 100 bàn, sau Matthew Le Tissier. Anh là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất thế giới với thành tích đứng nhì trong hai cuộc bầu chọn Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA và Quả bóng vàng châu Âu vào năm 2005. Mùa giải 2007-08, anh được bầu là Tiền vệ xuất sắc nhất năm của Cúp các đội vô địch bóng đá quốc gia châu Âu. Lampard bắt đầu sự nghiệp tại West Ham United vào năm 1994, nơi cha anh từng thi đấu. Bắt đầu từ mùa giải 1998-99, anh mới bắt đầu có mặt trong đội hình chính thức của West Ham và có được chiếc cúp vô địch UEFA Intertoto năm 1999. Năm 2001, anh chính thức chuyển đến thi đấu cho Chelsea với giá 11 triệu bảng Anh và hiện nay anh vẫn đang gắn bó cùng câu lạc bộ. Tại Chelsea, Lampard đã giành được hai chức vô địch Giải bóng đá ngoại hạng Anh, Cúp FA và Cúp Liên đoàn bóng đá Anh trong đó gần đây nhất là danh hiệu vô địch cúp FA năm 2009. Tháng 8 năm 2008, anh đã gia hạn hợp đồng với câu lạc bộ thành London thêm 5 năm nữa, thời hạn đến hết mùa giải 2013-2014 và trở thành một trong những cầu thủ được trả lương cao nhất tại Giải bóng đá ngoại hạng Anh. [ Đọc tiếp ] |
Chiến dịch BarbarossaChiến dịch Barbarossa là mật danh của Đức quốc xã đặt cho một chiến dịch lớn trong Chiến tranh thế giới thứ hai do quân đội Đức quốc xã tiến hành nhằm vào Liên bang Xô viết. Chiến dịch này ban đầu có tên là "Kế hoạch Otto". Ngày 18 tháng 12 năm 1940, tên của nó được đích thân Hitler đổi thành "Kế hoạch Barbarossa" lấy theo biệt hiệu của Hoàng đế La Mã Thần thánh Friedrich I. Chiến dịch được bắt đầu vào sáng ngày 22 tháng 6 năm 1941 trên toàn bộ tuyến biên giới phía Tây của Liên Xô và kết thúc vào đầu tháng 2 năm 1942 trước cửa ngõ Moskva. Mục đích của Kế hoạch Barbarossa nhằm nhanh chóng chiếm đóng phần lãnh thổ của Liên Xô nằm ở phía Tây đường ranh giới nối liền giữa hai thành phố Arkhangelsk và Astrakhan. Về mặt chiến thuật, quân Đức đã giành được một số chiến thắng lớn trong toàn chiến dịch và đã chiếm đóng một số vùng kinh tế quan trọng nhất của Liên Xô, chủ yếu là ở Ukraina. Vào cuối tháng Giêng năm 1942, Hồng quân Xô Viết đã đẩy lùi đợt tấn công mạnh nhất của quân đội Đức quốc xã. Chiến dịch này đánh dấu sự phá sản của phương châm đánh nhanh thắng nhanh trước mùa đông 1941-1942 của Hitler. Thất bại của quân Đức và đồng minh phe Trục trong chiến dịch này là một trong những bước ngoặt lịch sử, dẫn tới sự suy yếu rồi thất bại hoàn toàn của phe Trục trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự thất bại của Chiến dịch Barbarossa kéo theo những chiến dịch mới của Hitler nhằm tấn công Liên Xô, tất cả đều thất bại như việc tiếp tục bao vây Leningrad, chiến dịch Nordlicht và trận Stalingrad, cùng với những trận đánh khác trên những vùng lãnh thổ của Liên Xô bị Đức chiếm đóng. [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Suleiman ISuleiman I (1494–1566) là vị vua thứ 10 và trị vì lâu dài nhất của đế quốc Ottoman, từ năm 1520 đến khi qua đời năm 1566. Suleiman trở thành một vị vua lỗi lạc của châu Âu vào thế kỷ XVI, là người làm nên sự tột đỉnh vinh quang của nền quân sự, chính trị và kinh tế của đế quốc Ottoman. Ông chinh phạt các vùng đất Thiên Chúa giáo như Beograd, Ródos và phần lớn Hungary, cho đến khi vây hãm Viên thất bại năm 1529. Ông còn thôn tính phần lớn vùng Trung Đông trong các cuộc chiến với Ba Tư, và một phần lãnh thổ rộng lớn ở Bắc Phi xa về phía Tây đến tận Algérie. Dưới triều đại ông, hải quân Ottoman làm chủ phần lớn các vùng biển từ Địa Trung Hải tới Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư. Suleiman đích thân cải tổ lại luật pháp về xã hội, giáo dục, thuế má và hình phạt đối với kẻ phạm tội. Bộ luật của ông được chính quyền Ottoman áp dụng trong nhiều thế kỷ sau đó. Không những là một thi sĩ và một thợ kim hoàn; ông còn là một nhà bảo trợ lớn của nền nghệ thuật, chính ông đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên một thời kì vàng son của nền mỹ thuật, văn học và kiến trúc của đế quốc Ottoman. Suleiman nói được 4 thứ tiếng: Ba Tư, Ả Rập, Serbia và Chagatay. Suleiman đã phá vỡ truyền thống vốn có của đế quốc khi ông cưới Roxelana, một phụ nữ trong hậu cung và phong bà làm Hürrem Sultan; những âm mưu trong triều và quyền lực lớn khiến cho bà trở nên nổi danh. Con trai của Suleiman và Roxelana là Selim II lên kế vị năm 1566, khi ông qua đời sau 46 năm trị vì. [ Đọc tiếp ] |
Galileo GalileiGalileo Galilei (1564 – 1642) là một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Ý, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học. Các thành tựu của ông gồm những cải tiến cho kính thiên văn và các quan sát thiên văn sau đó, và ủng hộ Chủ nghĩa Copernicus. Galileo đã được gọi là "cha đẻ của việc quan sát thiên văn học hiện đại", "cha đẻ của vật lý hiện đại", và "cha đẻ của Khoa học hiện đại". Stephen Hawking đã nói, "Galileo, có lẽ hơn bất kỳ một người riêng biệt nào, chịu trách nhiệm về sự khai sinh khoa học hiện đại." Sự chuyển động của các vật thể tăng tốc đều, được dạy ở hầu hết trong các khóa học về vật lý của các trường trung học và cao đẳng, đã được Galileo nghiên cứu trong chủ đề về chuyển động học. Những đóng góp của ông trong thiên văn học quan sát gồm vệc xác nhận các tuần của Sao Kim bằng kính thiên văn, phát hiện bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc, được đặt tên là các vệ tinh Galileo để vinh danh ông, và sự quan sát và phân tích vết đen Mặt Trời. Galileo cũng làm việc trong khoa học và công nghệ ứng dụng, cải tiến thiết kế la bàn. Sự bênh vực của Galileo dành cho Chủ nghĩa Copernicus đã gây tranh cãi trong đời ông. Quan điểm địa tâm đã là thống trị từ thời Aristotle, và sự tranh cãi nảy sinh sau khi Galileo trình bày thuyết nhật tâm như một minh chứng khiến giáo hội Công giáo Rôma cấm tuyên truyền nó như một sự thực đã được chứng minh, vì nó chưa được chứng minh theo kinh nghiệm ở thời điểm ấy và trái ngược với ý nghĩa của Kinh thánh. Galileo cuối cùng buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm của mình và sống những ngày cuối đời trong cảnh bị quản thúc tại gia theo lệnh của Toà án dị giáo La Mã. [ Đọc tiếp ] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Vệ tinh EnceladusEnceladus là vệ tinh lớn thứ 6 của sao Thổ. Nó được nhà thiên văn học William Herschel phát hiện vào năm 1789. Trước những năm 1980 (thời điểm 2 tàu vũ trụ Voyager bay ngang qua Enceladus), người ta biết rất ít về vệ tinh này ngoài việc nó có nước trên bề mặt. Enceladus có đường kính khoảng 500 km, bằng 1/10 kích thước của Titan, vệ tinh lớn nhất của sao Thổ. Nó là thiên thể phản xạ ánh sáng mạnh nhất trong hệ Mặt trời (gần như 100%). Tàu Voyager 1 phát hiện thấy quỹ đạo của Enceladus nằm trong vùng dày đặc nhất của vành đai phân tán E. Vành đai này được cho là vật chất được phát tán từ cực Nam của Enceladus. Tàu Voyager 2 thì cho thấy vệ tinh này mặc dù rất nhỏ nhưng lại có một địa hình phức tạp: từ những bề mặt cổ xưa nhiều miệng hố thiên thạch cho đến những vùng trẻ mới được kiến tạo gần đây. Một số vùng có bề mặt mới được tạo ra trong khoảng 100 triệu năm trước đây. Tàu Cassini hiện đang quay quanh sao Thổ đã cung cấp cho chúng ta thêm nhiều dữ liệu mới về Enceladus. Trong năm 2005, Cassini đã bay rất gần Enceladus, chụp ảnh và phân tích chi tiết bề mặt cũng như môi trường trên Enceladus. Một số trong các dữ liệu thu thập được đã giúp chúng ta trả lời những câu hỏi đã đặt ra sau lần khám phá đầu tiên bởi tàu Voyager, một số lại khiến chúng ta đặt ra những câu hỏi mới. Cụ thể, Cassini phát hiện thấy những cột vật chất chứa nước phun lên từ cực nam của vệ tinh. Cùng với việc phát hiện thấy sự thất thoát nhiệt và bề mặt rất mịn, ít hố thiên thạch của vùng cực nam, người ta khẳng định được rằng Enceladus hiện vẫn có những hoạt động địa chất. Điều này có thể giải thích được bởi Enceladus là vệ tinh của một hành tinh khí khổng lồ. Những hành tinh như vậy thường có một hệ thống vệ tinh với quỹ đạo phức tạp. Một số trong các vệ tinh này cộng hưởng quỹ đạo với nhau, chúng không ổn định hoặc có độ dẹt quỹ đạo nhất định. Vì vậy lực hấp dẫn của hành tinh lên các vệ tinh này luôn thay đổi, gây ra sự ma sát giữa các lớp vật chất của vệ tinh, cung cấp nhiệt lượng cho hoạt động địa chất của vệ tinh. [ Đọc tiếp ] |